Rồi cũng đến lúc ông Hoàng Huy quay trở về giữa thời điểm
Hương Lan đang hết sức bấn loạn. Thật ra cô không còn can đảm để có
thể đối diện với cái xác của Diễm Hà nên sáng nay vừa đặt chân đến cửa
hiệu, trông thấy cảnh tượng trên Hương Lan đã choáng váng ngất đi.
Trước khi chực té xuống cô có cảm nhận bàn tay ai đó đã đỡ mình. Chắc
chắn là Tuấn Khanh vì anh ta hứa luôn sát cạnh bên cô để bảo vệ. Cầu
mong rằng anh ta không đem cô đặt vào nằm kế bên cái xác chết đáng sợ
kia. Trước khi thật sự không còn hay biết gì, Hương Lan đã ước muốn
điều tốt lành, nhưng khi cô vừa hé mắt tỉnh lại thì hỡi ôi y như rằng
cô đang nằm song song cạnh xác của cô người mẫu vắn số. Lần này Hương
Lan ngỡ cô sẽ tiếp tục ngất và không chừng còn vĩnh viễn chẳng bao giờ
tỉnh lại. Vậy mà oái oăm thay cô chỉ cứng đờ người, mắt mở to nhìn
nhận sự việc và chịu đựng trong trạng thái khủng hoảng tột cùng. Dù
không bật nổi thành tiếng, thâm tâm của Hương Lan cũng ngầm mắng Tuấn
Khanh xối xả. Đúng là đồ quỷ tha ma bắt, có xé tên con trai này ra tới
hằng trăm mảnh cũng không làm cho cơn giận của cô nguội lại. Đang
trong lúc sắp buông xuôi với cái chết ập đến thì cô nghe tiếng nói của
một người:
- Đã tỉnh rồi đó à.
Ma. Liệu có phải là hồn ma Diễm Hà đang muốn cột vấn cô chăng?
Nhưng âm điệu này đâu phải của cô ta mà dường như là tiếng nói cứng
nhắc của đàn ông. Hay là Tuấn Khanh? Cũng chẳng phải nốt. Đôi mắt Hương
Lan tỉnh táo hơn thần trí và cô đã nhanh chóng nhận ra kẻ đang hỏi
chuyện mình:
- Ồ, ông chủ.
Đúng thật là ông Hoàng Huy đã về, đang ngồi ở chỗ chiếc bàn
duy nhất dành cho cô trong cửa hiệu với thái độ khá lạnh lùng, thậm chí
như không quan tâm tới sự việc xảy ra khi ông ta đi vắng, kể cả chuyện
đổ vỡ ngay trước mặt. Ông Hoàng Huy hất hàm sau khói thuốc vừa nhả
ra:
- Cô Hương Lan hết mệt rồi thì hãy ngồi lên đi.
Cơn khiếp hãi vừa tạm lui thì nỗi lo sợ bị khép tội bao trùm
lấy Hương Lan khiến cô không thể cựa quậy nổi cứ giữ nguyên tư thế nằm
ngửa bên cạnh xác chết và những mảnh vỡ thạch cao. Ông Hoàng Huy lại
giục:
- Cô không nghe thấy tôi nói gì hả?
Cố gắng lắm Hương Lan mới có thể bật dậy khỏi chỗ nằm, gương
mặt cô hớt hải không còn chút thần sắc. Hai cánh môi của Hương Lan run
lập bập:
- Ông chủ cứu tôi với!
Ông Hoàng Huy vẫn ngồi yên trên ghế, cặp chân mày hơi nhíu lại:
- Cô đang gặp nguy hiểm gì mà phải cầu cứu loạn xạ lên?
Chưa thể tìm được sự bình tĩnh cho mình nên bộ dạng của Hương
Lan có vẻ thất thần, hớt hải. Cô bật dậy chạy tới gần ông Hoàng Huy thở
dốc, tay chỉ vào pho tượng thứ hai mươi sáu đã biến thành đống đổ nát
lẫn lộn.
- Có người chết!
Lúc này ông Hoàng Huy mới chận đứng lời cô lại bằng cái phác tay đầy mệnh lệnh:
- Cô im miệng. Muốn kể lại vấn đề thì cũng phải có đầu đuôi.
Nhưng đà nói của Hương Lan cứ trào ra như mạch nước vừa bị phá thủng:
- Ông biểu tôi im sao được. Bên trong pho tượng của ông có chứa xác người.
Ông Hoàng Huy bỗng chồm lên kéo Hương Lan ngã vào lòng mình
rồi dùng tay bịt chặt lấy miệng cô. Một cử chỉ mà từ lúc đến làm việc ở
đây, lần đầu tiên Hương Lan thấy. Cô ra sức vùng vẫy:
- Buông tôi ra!
Trong mắt ông Hoàng Huy như có một tia chớp lóe lên rồi sau đó dịu lại. Ông thả lỏng bàn tay, giọng trầm trầm:
- Cô mau trấn tĩnh lại, đừng quá xúc động không nên đâu.
Thoát ra khỏi sự kiềm giữ của ông Hoàng Huy, tinh thần Hương
Lan càng xáo động dữ dội. Cô vừa nói vừa khóc lóc thảm thiết:
- Hu hu hu, nơi này đáng sợ quá. Tôi sẽ không làm việc cho ông nữa.
Vẻ mặt ông Hoàng Huy đầy lo lắng:
- Cô Hương Lan, tôi hy vọng cô chỉ nhất thời nói thế! Tôi đang rất cần cô giúp việc cho tôi mà.
Hương Lan khóc lớn hơn:
- Tôi không làm tròn trách nhiệm ông giao đâu. Tôi đã làm bể pho tượng mà ông ưng ý nhất.
Tưởng Hoàng Huy sẽ nổi giận nhưng nào ngờ ông lại tỏ ra điềm nhiên, chỉ dịu giọng hỏi cô:
- Pho tượng bị đổ bể đã lâu chưa?
Sực nhớ tới sự sắp đặt của Tuấn Khanh, Hương Lan vội nương
theo màn kịch mà cả hai đã dàn dựng. Đôi mắt mọng nước của cô lấm lét
liếc nhìn vô chỗ xảy ra sự cố:
- Dạ thưa, mới chiều qua.
- Có nghĩa là cô đã tông vào nó à?
- Tôi đâu có sức mạnh để xô đổ được pho tượng.
- Vậy thì nguyên cớ gì?
Hương Lan ấp úng vì sợ hãi:
- Vấn đề không phải do tôi gây ra đâu ạ. Chiều qua có một tên
côn đồ vào đây chọc ghẹo tôi, bị tôi mắng hắn đã phá phách cửa hiệu làm
đổ vỡ lung tung.
Ông Hoàng Huy không quan sát cửa hiệu mà chỉ nhìn dán vào cô:
- Có chuyện đó nữa ư?
- Tôi đâu dám lừa dối ông. Ngoài pho tượng còn hỏng thêm chiếc
tủ kính chỗ kia nữa. Ông thấy đó! Mảnh vỡ bắn lung tung làm tôi bị
chảy máu. Nhưng điều khiến tôi sợ hãi nhất là…
- Pho tượng bị bể ngoài cô ra, tên côn đồ ấy có thấy không?
Gương mặt Hương Lan chợt ngẩn ngơ:
- Thấy gì cơ?
Bờ môi ông Hoàng Huy như mím lại:
- Thấy cái điều mà cô cho là sợ hãi.
Hương Lan chớp thật nhanh rèm mi, hơi thở thật khó khăn:
- Chắc chắn hắn không biết việc pho tượng chứa xác người đâu. Tôi thấy hắn đẩy mạnh tay rồi bỏ chạy khỏi đây liền.
- Cô nhìn thấy cái xác này chiều qua hay chỉ mới?
Hương Lan đáp nương theo câu hỏi:
- Tôi vừa thấy nó nên đã sợ hãi ngất đi. May mà ông xuất hiện
kịp thời, nếu không chắc tôi sẽ chạy ra khỏi cửa hiệu la ầm lên quá.
Ông Hoàng Huy cũng gật gù:
- Kể ra thì may thật. Tôi xuống xe đúng lúc cô mở cửa hiệu bước vô.
- Ông là người đã đỡ tôi?
- Tôi làm theo phản xạ chứ không có ý xấu.
- Cớ sao ông lại đặt tôi nằm gần cái xác kia?
Sự bất mãn nơi Hương Lan trào ra nhưng dáng điệu ông Hoàng Huy rất thản nhiên:
- Nằm đó cũng tốt có gì ghê gớm đâu.
Hương Lan há hốc mồm:
- Trời ơi, ông nói thế mà nghe được.
Sắc mặt ông Hoàng Huy bỗng trở nên lạnh lùng:
- Đối với tôi người sống mới đáng sợ, đáng đề phòng và xa
lánh. Còn kẻ chết đi rồi họ trở nên hiền lành hơn, ngoan ngoãn và rất
đỗi đáng yêu.
- Ông…
Không để cho Hương Lan thốt lên nỗi kinh sợ, ông Hoàng Huy cướp lời cô:
- Đừng nghĩ rằng tôi là một tên giết người rồi nhìn tôi bằng đôi mắt đầy tởm lợm. Thật ra tôi đã cứu vớt đời cô ta.
Hương Lan dùng hai tay ôm ngực, môi bập bẹ:
- Ai? Cô ta là ai?
Ông Hoàng Huy khẽ hất cằm:
- Cái xác ẩn bên trong pho tượng thứ hai mươi sáu ấy! Cô là người mẫu Diễm Hà.
Cố tập trung bình tĩnh nhưng Hương Lan không tránh khỏi sự run rẩy từ trong ruột đẩy ra:
- Diễm Hà ư?
- Phải. Cô ta là một người mẫu khá nổi tiếng, nếu đam mê thời trang hẳn cô sẽ biết đến.
- Ồ, không. Tôi chỉ là cô gái quê mùa xuất thân từ tỉnh lẻ,
tôi chẳng biết tên tuổi hay sự nổi danh của bất cứ ai nơi thành phố này
cả. Tôi nhìn thấy cô gái này mới chỉ một lần khi cô ta đến tìm ông.
Ông Hoàng Huy buông giọng nói của kẻ sát nhân:
- Đó là ngày cuối cùng cô ta không còn trở nên hợm hĩnh, kiêu
căng. Phụ nữ đẹp thường là những kẻ chuyên gieo khổ cho người khác.
Nhất là bọn đàn ông bất hạnh có số phận nghiệt ngã giống như tôi...
- Ông...
Không kiềm được tiếng kêu, Hương Lan lại để cho nó bật ra nhưng cô vẫn bị ngăn:
- Muốn nghe trọn câu chuyện thì hãy vào trong nhà với tôi. Cô
là người phụ nữ duy nhất tôi thổ lộ tất cả những nỗi niềm.
- Nói ở đây cũng được cần chi phải vào trong. - Hương Lan thụt lùi vài bước chân.
- Cô sợ tôi sẽ làm hại cô chăng?
- Dù ông có buồn tôi cũng công nhận điều ấy!
- Nhưng nói ở ngoài này không tiện lắm. Tôi muốn cô biết rõ về tôi để thông cảm cho tôi hơn.
- Thông cảm điều tồi tệ mà ông đã gây ra ư?
Tiếng ông Hoàng Huy chất chứa nỗi ngậm ngùi:
- Theo tôi điều tồi tệ nhất trên đời là làm một con người thiếu may mắn.
- Ông không cảm xúc gì trước cái chết của người khác?
- Ai nói rằng tôi không cảm xúc chứ. Có điều họ cần phải biến
mất khỏi cuộc sống này để bớt gây tổn hại cho những người đàn ông.
Từng lời nói của ông Hoàng Huy thốt ra tiếp thêm cơn khủng
hoảng cho Hương Lan. Cô thật sự không hiểu người đàn ông trước mặt mình
có phải là một kẻ bình thường hay đang mắc hội chứng tâm thần nào đó?
- Cô cần phải nghe tôi biện minh. Chẳng lẽ bấy lâu nay làm việc cho tôi cô không hiểu ít nhiều về tôi sao?
- Ông đừng làm tôi mềm lòng. Tôi sẽ không thông cảm cho bất cứ tội ác nào của ông đâu.
- Một chút thương hại cũng không có hay sao? Thế thì tôi đã
nhìn lầm cô, đàn bà trên thế gian này đều là những người đáng ghét và
đáng chết.
Nghe ông Hoàng Huy kết tội, gai ốc trên người Hương Lan nổi
lên, nhưng cô lại tự hỏi, phải chăng trong cuộc sống ông ta đã từng chịu
đựng sự bất công nên mới nuôi dưỡng lòng thù hận và căm ghét phụ nữ
nhiều như thế? Cố nhớ lại lời người đàn bà tự xưng là chị gái của Diễm
Hà và câu bình phẩm mà bà ta dành cho ông Hoàng Huy. Lẽ nào người đàn
ông này chẳng đáng giá trong mắt phụ nữ sao? Không, nếu để cho cô nhận
xét thì ông ấy cũng thuộc vào hạng người lý tưởng đối với nhiều cô
gái. Chỉ phiền nỗi ông Hoàng Huy hơi nghiêm khắc một chút thôi nhưng
tính khí đó thì có gì là xấu. Hương Lan thiện cảm hơn qua ánh mắt:
- Ông chủ, ông làm tôi sợ quá. - Hương Lan nói.
- Tại cô nghĩ rằng tôi là kẻ hung bạo. Thú thật, tôi rất quý
và yêu phụ nữ nên dẫu họ đã chết rồi tôi vẫn nâng niu. Không hề muốn thể
xác của họ bị hư đi. Như cô đã thấy đó! Diễm Hà không còn là người
sống nhưng cũng chẳng phải là đã chết.
- Con người ông khó hiểu quá. Chung quy bây giờ tôi chỉ rõ một điều là ông đã giết người.
Ông Hoàng Huy không nao núng dù bị buộc tội. Ông bình thản như chẳng hề có việc gì:
- Cô có muốn biết tại sao Diễm Hà lại chết không?
- Tất nhiên tôi rất muốn để không nghĩ ông là một kẻ đại ác.
Ông Hoàng Huy buông giọng ngắn:
- Theo tôi!
Như là một mệnh lệnh. Hương Lan ngoan ngoãn bước theo ông
Hoàng Huy vào nhà trong mà không phác ra cử chỉ chống đối nào dù lòng
nơm nớp lo sợ mình sẽ gặp nguy hiểm.
Nhưng không, ông Hoàng Huy đã đối xử với cô tốt hơn cô nghĩ.
Ông đưa cô vào một căn phòng khách rất khang trang có đầy đủ tiện
nghi:
- Cô ngồi đi!
Trong lúc Hương Lan chưa kịp mở miệng thì ông Hoàng Huy đã
ấn vào tay cô lon nước ngọt vừa lấy ra từ tủ lạnh rồi tự bật nắp một
lon khác đưa lên miệng uống ừng ực. Cũng rất khát, Hương Lan làm theo
ông nhưng cô chỉ hớp từng ngụm nhỏ. Chất nước mát rượi chạy vào cơ thể
khiến tinh thần cô sảng khoái hơn lên sau một khoảng thời gian bị
khủng hoảng trầm trọng. Cô đảo mắt quan sát chung quanh mình chờ đợi
nghe ông Hoàng Huy kể lể:
- Cô hãy nói thật lòng về con người của tôi.
Hương Lan nhìn Hoàng Huy chăm chú:
- Trước khi chưa chứng kiến những gì đang xảy ra, tôi luôn nghĩ ông là người tốt.
- Còn bây giờ?
- Xin lỗi. Tôi không thể không cho ông là người xấu khi ông đã thật sự gây ra tội ác.
Sắc mặt ông Hoàng Huy chuyển màu trông dữ dằn:
- Tội ác ư? Cô biết quái gì mà kết án tôi. Bộ cô tưởng những
ả đàn bà đó đáng được sống lắm sao? Hừm, lẽ ra họ còn phải bị chặt
làm trăm mảnh rồi đem rải khắp nơi mới dịu được sự căm phẫn của tôi.
Đằng này, tôi đã tốt với họ.
Đôi mắt Hương Lan tròn xoe vì kinh ngạc và vì cả khiếp sợ:
- Ông oán hận người mẫu Diễm Hà tới mức độ phải sát hại cô ta sao?
Giọng ông Hoàng Huy rít lên:
- Không riêng gì Diễm Hà mà số đông phụ nữ các cô. Nếu có thể giết sạch may ra tôi mới được hả dạ.
Hương Lan cảm giác mình nghẹt thở:
- Điều gì khiến ông phải ôm nỗi căm hờn to lớn đến như vậy?
- Tôi cũng đang định cho cô biết. Dù sao trước khi lìa bỏ
cõi đời người sắp chết phải hiểu rõ nguyên nhân về sự ra đi của mình.
- Ông vừa nói cái gì?
Nhìn Hương Lan co dúm người trên ghế ông Hoàng Huy bật cười lớn:
- Cô đang sợ đó hả? Đừng lo, tôi sẽ rất từ tốn và tế nhị với cô.
Khi Hương Lan cảm nhận được sự nguy hiểm đến với mình thì
đầu óc bỗng choáng váng, mắt mũi tối sầm. Cô gượng đứng dậy tìm đường
thoát nhưng lảo đảo té ngồi xuống ghế trở lại:
- Ôi, tôi bị sao thế này?
Tiếng cười của ông Hoàng Huy kéo dài đầy ma quái:
- Ha ha ha, cô đang rất buồn ngủ có phải không?
Hương Lan cố hét lên nhưng chất giọng chùng xuống:
- Phải chăng ông hại tôi?
Ông Hoàng Huy dang rộng hai cánh tay làm động tác nhún vai:
- Cô nói sai. Tôi có ý tốt muốn cô được người đời chiêm ngưỡng.
Hương Lan nghe mí mắt của mình nặng trịch:
- Là sao? Ông cứ nói toẹt ra đi!
Ông Hoàng Huy chắp tay sau lưng diễu qua lại quanh căn phòng nhấn mạnh từng lời một:
- Cô sẽ là tác phẩm thứ hai mươi bảy của tôi.
Đang rũ người ra vì buồn ngủ, Hương Lan giật thót mở choàng mắt, toàn thân run lẩy bẩy:
- Ông tính giết luôn cả tôi chăng?
Ông Hoàng Huy dừng lại trước mặt cô điệu bộ hơi dí dỏm:
- Cô nói khó nghe quá. Tôi chỉ muốn biến cô thành một tác phẩm nghệ thuật để cô trở nên giá trị hơn.
Ối, phen này cô thật sự gặp nguy hiểm chết người rồi. Cơn sợ
hãi làm Hương Lan toan òa khóc nhưng không đủ sức nặn ra những giọt
nước mắt, toàn thân cô buông xuôi thõng thượt, đến kêu la cũng chẳng
được. Cô nghe tiếng ông Hoàng Huy văng vẳng trong lỗ tai:
- Ngoan ngoãn rồi phải không? So ra thì cô chưa đạt tiêu
chuẩn để được chọn hóa thân trong tác phẩm nghệ thuật của tôi. Nhưng
tôi buộc phải miễn cưỡng...
Hương Lan nói thều thào:
- Đừng, tôi thật sự chưa muốn chết. Tha cho tôi!
- Ha ha ha, cuộc sống này có gì đáng để cho cô phải luyến
tiếc, phải van xin. Khi trở thành tượng trong cửa hiệu của tôi rồi cô sẽ
cảm thấy vui vẻ hơn vì chẳng bị nỗi buồn làm héo hắt như lúc còn
sống.
- Đừng!...
Đến đây cô lịm đi và cảm thấy người mình đang bay bổng giữa
không trung. Hay cô đã hồn lìa khỏi xác bởi bàn tay khéo léo của ông
chủ dã man nhất quyết cướp đi của cô mạng sống? Nếu thế cô sẽ không
còn dịp trở về quê gặp lại mẹ cha và anh em họ hàng, không còn bước đi
trên con đường làng ngợp mùi hương đồng nội, không còn nhìn thấy bầu
trời xanh điểm những áng mây trắng bềnh bồng, ngọn gió mát làm lòng cô
thư thái. Và Tuấn Khanh, gã thanh niên đang khiến tâm hồn cô dịu ấm
mỗi khi nghĩ đến hắn. Hết rồi, đang không biết mình thuộc về thế giới
nào, Hương Lan vẫn cảm nhận được một điều rất thật là đau. Nhưng cái
nhói đau không thể nén chịu mà cũng chẳng kêu rên được. Cha mẹ ơi, con
phải bỏ mạng giữa đất khách, quê người rồi. Tất cả cũng vì con không
chịu nghe lời. Phải chăng đây là hình phạt mà ông trời giáng xuống đầu
những đứa con bất hiếu? Nỗi ân hận của Hương Lan tuôn ra từ tiềm thức
sâu thẳm trong cơn mê bắt đầu cho cuộc hành trình vào thế giới của sự
chết. Nghĩ đến đây, Hương Lan chỉ còn cảm giác được trạng thái chơi
vơi, hụt hẫng và những đốm sáng yếu ớt đang lịm dần, lịm dần rồi tất
cả trở thành một màu đen.
Đứng nhìn cô gái giúp việc cho mình buông thõng người chìm
sâu vào cơn hôn mê do bị thấm thuốc ngủ cực mạnh được pha sẵn trong
lon nước ngọt mà cô ta đã uống, ông Hoàng Huy gật gù:
- Biến cô thành pho tượng thứ hai mươi bảy tôi chẳng muốn
chút nào. Nhưng để cô sống làm người thì lại càng không thể được vì cô
đã vô tình chúi mũi vào cái bí mật của chính tôi.
Nói rồi ông Hoàng Huy mở tủ lấy ra một chai rượu rót uống,
ánh mắt vẫn chĩa vào chỗ Hương Lan đang bất động. Ông biện hộ cho hành
động của mình bằng cách tự phân bua:
- Cô Hương Lan, cô phải biết rằng trên đời này ta căm thù
nhất là đàn bà có nhan sắc. Ta đã thề là sẽ giết chết tất cả bọn họ,
nếu như có dịp và ta đã đang làm. Cô là trường hợp ngoại lệ bị bổ sung
vào trong số bọn họ. Mong cô không oán ta, ta cũng hiểu cô là người
tốt.
Nhấp một ngụm rượu rồi ông ta lại nói một mình:
- Đời Hoàng Huy này bao lâu nay phải cam chịu cảnh cô đơn,
nhục nhã thậm chí không còn chút sinh khí nào của một thằng đàn ông.
Hừ, ngay chính vợ ta cũng bỏ ta để mà đi sống với người khác. Ta chẳng
có ai là người thân bên cạnh cả.
Tới đây ông Hoàng Huy đưa hai tay bưng lấy đầu vẻ thật đau
khổ. Nếu ai nhìn thấy ông lúc này chắc chắn sẽ cảm thương. Ông lảm nhảm
bằng thứ âm thanh nghẹn ngào pha lẫn sự tức tưởi:
- Diễm Hương, chính em là nguồn gốc khiến ta phải lâm vào
tội ác. Em là người phụ nữ mà ta yêu thương nhất, chiều chuộng nhất.
Ta đã không màng đến mạng sống của mình để cứu em, để chấp nhận trở
thành người tàn phế. Vậy mà khi ta không còn là người đàn ông đúng
nghĩa, không còn đem đến cho em sự hoan lạc gối chăn thì em lại nỡ
nhẫn tâm bỏ rơi ta. Nỡ để ta vật lộn với muôn vàn nỗi đau cả thể xác
lẫn tâm hồn. Ta hận em, ta oán em, ta muốn bóp chết em, nhưng ta vẫn
chưa làm gì được em. Ta đã và đang trút cơn phẫn nộ của mình xuống
những người đàn bà có nhan sắc để cho họ phải chịu tội thay em. Tuy
nhiên, ta vẫn đối xử với họ rất tốt, vẫn biết tiếc ngọc, thương hoa.
Ta luôn muốn lưu trữ những nét đẹp trời ban. Ta không muốn phá hủy cái
công trình của tạo hóa dù tâm hồn ta bị em làm tổn thương, trái tim
ta vụn vỡ. Diễm Hương, ta mong có một ngày nào đó em sẽ tự dẫn xác đến
tìm ta, để cho ta thực hiện tâm nguyện chính của mình là bắt giữ em,
không cho em xa rời ta nửa bước. Diễm Hương, Diễm Hương, em là người
đàn bà không chung thủy, em nhất định phải trả giá!
Sau giây phút thống khổ, ông Hoàng Huy rời mặt khỏi hai lòng
bàn tay ngước lên để lộ đôi mắt đỏ lòm của người vừa trải qua cơn xúc
động. Nhìn vào ông người ta có thể thu gom được cả tính thiện lẫn cái
ác. Nhất là khi ông Hoàng Huy bắt đầu nghĩ đến chuyện xử lý cô gái
giúp việc đang mê man trên ghế. Nhưng một vấn đề đã làm ông phải tạm
dừng hành động giết người lại khi sực nhớ tới pho tượng thứ hai mươi
sáu bị đổ vỡ nằm phơi xác chết bên ngoài cửa hiệu. Cần thu dọn nơi đó
thật nhanh, kẻo có người trông thấy. Kiểm tra lại độ mê của Hương Lan,
ông Hoàng Huy mới yên tâm tiến hành công việc. Đầu tiên ông hì hục
đưa xác Diễm Hà vào hẳn phòng làm việc mãi sâu tít ở phía sau. Vốn
không phải là người khỏe mạnh nên ông Hoàng Huy cũng vất vả ra trò
trong cả khâu quét dọn những mảnh vỡ còn nằm lại. Khi vừa xong xuôi
mọi việc bên ngoài, chưa kịp thở thì bất ngờ có tiếng động khiến ông
giật nảy người. Rõ hú hồn, may mà ông đã nhanh tay hơn, nếu không vị
khách đến viếng thăm cửa hiệu của ông sẽ khiến ông phải sống dở, chết
dở. Ông lúng túng lấy khăn mùi xoa ra lau mồ hôi đang rịn ứa trên trán
để che giấu vẻ không bình thường của mình, rồi liếc nhìn người khách
qua khe hở những ngón tay. Phụ nữ ư. Ông Hoàng Huy mau chóng lấy lại
bình tĩnh tạo tư thế tiếp khách:
- Thưa bà...
Người khách hơi nghênh đầu nói mà không nhìn Hoàng Huy:
- Ồ, ngày chẵn nên tôi đã gặp may rồi đây. Gặp lại ông quả là khó khăn quá.
Ông Hoàng Huy nhìn sững vào người khách rồi nghệch mặt kêu lên:
- Diễm Hương!
Người phụ nữ vòng hai tay trước ngực, điệu bộ rất kênh kiệu:
- Tôi đây, cứ ngỡ ông sẽ không còn nhận được người đàn bà này chứ.
Ông Hoàng Huy cảm giác người mình mềm nhũn ra sau phút giây nhận diện kẻ trước mặt. Ông cất tiếng bi thảm:
- Diễm Hương, làm sao tôi có thể quên được em.
Giọng người phụ nữ đỏng đảnh dù tuổi tác không còn trẻ:
- Ông cần gì phải nhớ tôi khi tôi không hề có chút cảm giác
nào luyến tiếc ông, một người chồng đã mờ phai trong quá khứ.
Vẻ mặt ông Hoàng Huy đầy đau đớn:
- Em nói thật tình như thế chứ?
Bà Diễm Hương liếc ông rồi ngoảnh đi:
- Có cần tôi phải nhấn mạnh hai chữ "đúng vậy" nhiều lần không?
- Diễm Hương, em không hề hối tiếc vì đã đối xử với anh thế này sao?
- Chưa lần nào.
Thái độ thản nhiên của bà Diễm Hương làm ông Hoàng Huy chao
đảo không đứng vững. Trông ông giống hệt con thú bị trọng thương:
- Diễm Hương, em thật là nhẫn tâm.
Bà Diễm Hương bào chữa:
- Đó là tôi tự cứu tôi thoát khỏi sự tối tăm mà ông trời dành cho ông.
- Nhưng bất hạnh mà tôi mang là vì em. Tôi nghĩ con người ta
không phải chỉ yêu thương nhau bằng thể xác mà bằng cả tâm hồn. Diễm
Hương, lẽ ra em phải mang ơn tôi và chăm sóc tôi cả đời này mới đúng.
- Lập luận của ông không hợp với cuộc sống thực dụng đâu.
Nhất là đối với tôi, ông thừa hiểu tôi không chịu đựng nổi bất cứ sự
thiệt thòi nào dù chỉ nhỏ bằng cái móng tay. Trời sinh ra và dạy tôi
phải hưởng thụ cuộc sống. Bởi thế nên ông cần phải thông cảm cho tôi
khi ông không thể đem đến những thứ mà tôi mong muốn. Nếu ép tôi phải
chung sống với ông mới là điều tàn nhẫn.
Khoảnh khắc im lặng giữa cả hai diễn ra khá lâu, lâu đến mức
tưởng chừng không còn gì để nói. Mà đối với ông Hoàng Huy thì đúng là
như thế! Ông còn có gì để nói với người đàn bà mà ông đã từng yêu tới
độ không màng đến tính mạng và đến giờ thì hận xuyên thấu cả ruột
gan. Còn lời lẽ nào có thể lay chuyển nổi kẻ bội bạc hay không? Ông
Hoàng Huy tự hiểu không còn hy vọng khiến người xưa quay trở lại qua
thái độ mà ông vừa thấy. Ông mím môi, hai bàn tay nắm chặt bộc lộ nỗi
căm hờn sau những giây phút cố đè nén nội tâm:
- Diễm Hương, hôm nay tôi nhất quyết không để em ra khỏi nơi đây.
Bà Diễm Hương tỏ vẻ không sợ hãi, còn nhếch môi chế giễu:
- Ông tưởng mình là gì mà có thể giữ chân tôi lại được?
Ánh mắt ông Hoàng Huy rực lên màu sắc của sự trả thù:
- Là gì à? Hãy tưởng tượng thử xem thằng Hoàng Huy này hiện giờ đang là gì?
Bà Diễm Hương lùi ra phía ngoài để chuẩn bị chạy:
- Bản thân ông là gì tôi không cần biết. Mục đích của tôi
tìm ông là để hỏi về con Diễm Hà, ông đang giấu nó ở chỗ nào? Ông đừng
nói với tôi rằng không hề biết nó. Trước khi đến gặp ông rồi mất
tích, nó có gọi điện cho tôi, chỉ tiếc là tôi không kịp ngăn nó lại.
- Cô người mẫu Diễm Hà ư?
- Đúng thế! Nó là em gái út của tôi, hẳn ông đã rõ điều này rồi.
Lời ông Hoàng Huy có vẻ ngậm ngùi:
- Chúng ta chia tay đã lâu rồi. Làm sao tôi có thể nhớ nổi em gái của người vợ cũ.
Bà Diễm Hương gườm gườm:
- Không nhớ cũng được. Nhưng ông không thể không trả lời việc con Diễm Hà đang ở đâu.
Ông Hoàng Huy cười khẩy:
- Trên đời này không phải muốn ép buộc ai là đều được toại nguyện.
- Nếu ông không nói thì tôi sẽ đi kiện ông ngay.
- Về tội danh gì? Tôi đâu phải là người chịu trách nhiệm trong việc vắng mặt hay có mặt của em gái cô.
Bà Diễm Hương tỏ sự tức giận:
- Tôi khẳng định ông đã bắt cóc nó để làm trò bỉ ổi.
Sắc diện của ông Hoàng Huy vụt đổi thành màu tím tái, ông nghiến răng tựa như muốn nhai nát người đàn bà:
- Bỉ ổi à. Tôi còn có thể làm được trò bỉ ổi với phụ nữ được sao? Khốn nạn!
Không chịu dừng lại, bà Diễm Hương vẫn khăng khăng khép tội
Hoàng Huy cho đến lúc bị ông lao đến tát vào một bạt tai. Bà ôm chỗ
đau rú lên:
- A, ông dám đánh...
Ông Hoàng Huy trừng mắt quát:
- Tôi còn có thể giết em chứ đánh thì nhằm nhò gì. Đồ đàn bà xấu xa!
Toàn thân bà Diễm Hương run lên không hiểu vì sợ hay vì tức giận. Bà lắp bắp trong hơi thở hổn hển:
- Ông đúng là đồ tồi!
Hai hàm răng của ông Hoàng Huy cọ xát vào nhau tạo thành
tiếng kêu rin rít nghe rờn rợn. Ông áp sát bà Diễm Hương rồi thuận tay
chộp lấy hai bả vai người vợ cũ bóp thật mạnh khiến bà kêu thét lên:
- Á!!!
Ông Hoàng Huy cười khục khặc:
- Đau lắm ư? Nhưng làm sao bằng nỗi đau mà tôi đã phải chịu trong suốt bao lâu nay chứ.
Da mặt bà Diễm Hương xám ngoét:
- Ông mau buông tôi ra.
Bàn tay ông Hoàng Huy siết chặt hơn:
- Sao tôi lại có thể buông khi tôi đang muốn nghiền nát em chứ. Diễm Hương, em chuẩn bị nhìn cuộc đời lần cuối đi.
Nói rồi Hoàng Huy đẩy mạnh tay khiến bà Diễm Hương nhào đập
đầu vào tường đau đến tối tăm mặt mũi. Trong lúc chưa kịp lấy lại bình
tĩnh để phản kháng thì Diễm Hương cảm giác cổ mình bị nghẹn cứng và
đau điếng, không thể nào thở nổi. Bà cố gắng giãy giụa nhưng sức lực
cứ đuối dần, đuối dần…
Không hiểu sao đêm nay Tuấn Khanh lại khó ngủ đến như vậy.
Anh cứ nằm thao thức mãi với những suy nghĩ miên man về sự ra đi của
mình. Thời gian qua cuộc sống của Tuấn Khanh thật khó nhọc vô cùng. Để
có được miếng ăn, anh phải khem cả những công việc lao động nặng mà
vẫn không dư dả được đồng tiền nào phòng thân hòng khi đau ốm. Lúc
trước còn ở nhà, anh chưa từng chịu đựng sự thiếu thốn bởi gia đình
anh rất khá giả có mức thu nhập cao từ trang trại chăn nuôi và năng
suất thu hoạch của các mảnh vườn. Ba nói chỉ có mình anh là con trai
nên cứ buộc anh phải cưới vợ sớm dù anh không đồng ý. Thật tình thì
Tuấn Khanh cũng hiểu rõ tấm lòng của cha mẹ, sở dĩ ông bà muốn như vậy
bởi vì cả dòng họ có mình anh là cháu trai cần nối giống, nối dòng.
Nhưng nếu phải lập gia đình, thì lẽ ra mọi người phải cho anh cái
quyền tự do lựa chọn bạn đời. Đằng này, anh lại bị ép lấy một cô gái
xa lạ chưa hề gặp mặt. Những người lớn thật là lẩn thẩn, họ vẫn tuân
thủ với các hủ tục phong kiến cổ xưa đến nỗi bỏ mặc mọi phản đối của
con. Biết không làm thay đổi được tình hình, Tuấn Khanh đành tạm bỏ
trốn với hy vọng thời gian sẽ làm cho cha mẹ hiểu ra. Tuy nhiên anh
cũng rất lo âu trong khoảng ngày mình vắng nhà, chẳng biết có gây ra
điều chi bất trắc? Tới gần sáng Tuấn Khanh mới thiếp đi cùng cơn mệt
mỏi và một giấc mơ kỳ cục. Trong mơ, anh thấy rõ mình đang cử hành hôn
lễ cùng một cô gái không quen biết. Cho đến khi tàn tiệc cưới, cả hai
bị đẩy vào căn phòng hoa chúc, cô dâu, chú rể mới day mặt lại nhìn
nhau thì hai gương mặt kinh ngạc, ngỡ ngàng…
Tuấn Khanh choàng thức giấc giữa lúc cơn mơ đang đến giai
đoạn thật thú vị khiến anh tiếc ngẩn người. Phải chi giấc mộng này có
thật ở ngoài đời thì anh sẽ không phản đối, hay trốn chạy. Dù sao làm
chồng cô gái ấy cũng tốt hơn kẻ mà cha mẹ anh đã đặt để cho anh. Vì ít
ra anh cũng hiểu được phần nào về cô ta chứ không hề mù tịt như người
mà gia đình anh đang ép buộc.
Thức dậy, biết ngoài trời đã sáng từ lâu nhưng Tuấn Khanh
không buồn ngồi dậy rời khỏi giường bởi cảm thấy rất mệt. Có lẽ do bị
cảm bất ngờ hoặc giấc ngủ trong đêm quá ngắn khiến tâm thần uể oải. Nên
nán lại trong chiếc mền ấm cúng để có thời gian ngẫm nghĩ tới tình cảm
của mình. Một cuộc sống nổi trôi, phiêu dạt mà từ nhỏ tới lớn anh
chưa bao giờ hình dung đến. Mặc cho Khanh vẫn không quan tâm cho tới
lúc chiếc bụng sôi ùng ục kèm theo cảm giác được ăn anh mới chịu ngồi
dậy và sực nhớ việc phải đến cửa hiệu làm bảo vệ bất đắc dĩ cho Hương
Lan. Có lẽ giờ này cô gái ấy đã sợ chết khiếp vì chưa thấy anh xuất
hiện.
Nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân, Tuấn Khanh mặc vội bộ quần
áo vào người rồi rời khỏi phòng trọ. Sau một chặng xe buýt, kéo dài
mất mười phút, anh mới đến được cửa hiệu trưng bày Hoàng Huy. Với dự
định rủ Hương Lan đi ăn bún riêu nên anh không mua xôi mặn cho cô.
Tuấn Khanh biết sự chậm trễ của mình sẽ bị Hương Lan mắng, anh chuẩn
bị tư thế trước khi đẩy mạnh cửa.
Nhưng thật bất ngờ, trước mặt anh đang diễn ra một vụ giết
người. Theo phản xạ anh xông ngay vào với tiếng quát khá lớn:
- Dừng tay lại, buông ngay bà ấy ra.
Người đàn ông đang bóp cổ người đàn bà ngẩng phắt đầu lên nhìn anh bằng đôi mắt hầm hừ:
- Việc chi đến mày. Cút khỏi đây!
Rồi ông ta lại ra sức vận dụng đôi cánh tay với toan tính
cướp đi mạng sống của người phụ nữ yếu đuối không còn chống cự nổi.
Trước tình thế như vậy Tuấn Khanh không thể chậm trễ đành phải vào
cuộc bằng cú đấm mạnh vào đầu người đàn ông hòng cứu nguy cho kẻ sắp
sửa bị giết chết. Quả nhiên, sự tiếp ứng của anh đã phá vỡ ý đồ man rợ
của người đàn ông đang nuôi dưỡng hận thù. Ông ta lảo đảo buông rời
người đàn bà vì tác động mạnh của cú đấm khiến ông ta tối tăm cả mặt
mày. Sau một lúc sững sờ, ông ta chỉ tay vào Tuấn Khanh hỏi dồn dập:
- Mày là ai mà dám đánh lại tao?
Tuấn Khanh nhìn chăm chú người đàn ông, đáp trả lại:
- Tôi là ai, ông không cần biết rõ. Có điều hành động của
ông vừa rồi là phạm pháp, tôi không thể khoanh tay đứng nhìn được.
Người đàn ông phải chống tay mới có thể đứng vững nhưng vẫn chưa chịu tỉnh:
- Đây là chuyện riêng của tao, không mượn mày xen vào.
Tuấn Khanh không chịu thua:
- Pháp luật nào cho phép anh có hành vi hại người? Nếu tôi
đoán không lầm thì ông đang muốn giết hại người phụ nữ này.
Người đàn ông không chối cãi:
- Đúng! Tao rất muốn con đàn bà xấu xa này phải chết, bởi nó không xứng đáng được sống.
Nghe thấy thế Tuấn Khanh trợn mắt lên:
- Ông nói thật khó nghe. Người đàn bà này không xứng đáng được sống, vậy ông xứng đáng lắm sao?
Giữa lúc người đàn ông đang há miệng biện minh thì Tuấn Khanh gạt tay:
- Ông nói thật ngông cuồng tôi sẽ mời người đại diện cho
pháp luật tới đây xử lý hành vi phạm tội của ông. Vấn đề này đúng hay
sai sẽ do họ giải quyết.
Thấy Tuấn Khanh nói cứng, người đàn ông tái mặt hạ giọng dễ nghe hơn:
- Cậu không cần dính vào chuyện của tôi. Chẳng lẽ vợ chồng tôi xung đột mà cậu cũng thích xen vô đứng giữa sao?
Tuấn Khanh khẽ nhún vai:
- Tôi không rảnh để làm chuyện tào lao. Tại ông đối xử với
vợ mình thô bạo quá, nhất là ở nơi này, một cửa hiệu trưng bày toàn là
hàng mỹ nghệ quý giá. Lỡ ra bị đổ vỡ ông có đủ tiền để bồi thường hay
không?
Người đàn ông đột nhiên vỗ ngực mình:
- Cậu lo xa giùm người khác hơi nhiều rồi. Ông chủ của cửa
hiệu là tôi đây, chắc cậu không còn ý định tước đoạt quyền tự do của
tôi nữa chứ.
Lời giới thiệu này làm Tuấn Khanh chau mày:
- Ông chính là Hoàng Huy?
Người đàn ông ưỡn ngực đầy tự hào:
- Phải. Tôi là Hoàng Huy, một nghệ nhân có tiếng trong làng
đúc, nặn tượng. Tất cả những sản phẩm tại cửa hiệu này đều do một tay
tôi sáng tạo nên.
Sự bất ngờ khiến Tuấn Khanh đứng im dán cặp mắt quan sát vào
người đàn ông đang đối diện. Thì ra nãy giờ anh đã đối đầu với ông
Hoàng Huy mà không hề hay biết. Thế còn Hương Lan đâu? Sao nãy giờ
không thấy cô có mặt ở đây? Linh cảm báo cho Tuấn Khanh biết có một
mối nguy đã đến với cô, anh hỏi gặng:
- Cô gái giúp việc tại cửa hiệu này đi đâu rồi?
Ông Hoàng Huy hếch mặt:
- Tôi đã cho cô ta nghỉ từ hôm qua.
Nghe xong, Tuấn Khanh liền trừng mắt:
- Liệu ông có phải là kẻ giả danh không đó?
- Sao cậu lại nói thế? Hoàng Huy là tôi, chủ cửa hiệu này cũng là tôi.
- Nhưng tôi thấy ông không giống một nghệ nhân...
Ông Hoàng Huy toan lấp liếm sự ngờ vực của Tuấn Khanh thì một giọng nói vạch trần tội lỗi của ông ta vang lên:
- Phải! Hắn không phải là nghệ nhân mà là một con quỷ sống. Cậu hãy mau bắt giữ hắn đừng để cho hắn thoát.
Trong lúc Tuấn Khanh quay mặt về phía người đàn bà vừa tỉnh
lại sau sự thoát hiểm của thần chết đã vội tố giác kẻ giết mình thì
ông Hoàng Huy tông chạy vào trong biến mất sau cánh cửa hình sậm màu.
Tuấn Khanh bèn rượt theo nhưng phải khựng lại vì cánh cửa đã bị khóa
từ bên trong. Cũng lúc này, anh nhìn thấy chiếc giỏ đeo của Hương Lan
để trên bàn. Như thế có nghĩa là cô đã đến cửa hiệu, nhưng hiện giờ
đang ở đâu? Tuấn Khanh dùng sức mạnh của mình thử lay lắc cánh cửa
nhưng chẳng hiệu quả, bèn quay ra đỡ người đàn bà đang trong tình
trạng cố gượng dậy. Anh cất tiếng:
- Tại sao ông ta lại có ý định giết bà vậy?
Người phụ nữ ôm lấy cổ mình ho rũ rượi và giải thích thật khó khăn:
- Tôi nghĩ có lẽ hắn đã biến thành ác quỷ rồi. Cuộc hôn nhân
giữa tôi và hắn đã chấm dứt từ lâu, thế mà vừa gặp mặt thì mọi việc
đã diễn ra như cậu thấy.
- Bà là vợ của ông Hoàng Huy ư?
- Đó là ngày xưa. Còn bây giờ đường ai nấy đi, không liên quan gì tới nhau cả.
- Nếu đã không liên quan, sao ông ta còn toan tính làm hại bà?
Nét mặt người phụ nữ nhăn nhó:
- Làm sao tôi biết được "con quỷ" trong ông ấy nghĩ gì, muốn
gì chứ. Hôm nay tôi tìm tới đây là để hỏi ông ấy về tin tức của đứa
em.
Tuấn Khanh chớp mắt hỏi:
- Em của bà bị ông ấy giam giữ ư?
- Tôi cũng chưa khẳng định. Chỉ biết trước khi mất tích, nó đã đến gặp ông ta.
- Em của bà là nữ hay nam?
Người phụ nữ chợt khoe khoang:
- Nó là một cô gái có nhan sắc tuyệt vời, nghề nghiệp là người mẫu.
Tuấn Khanh buột miệng nói:
- Cô ấy là Diễm Hà phải không?
Nghe qua, người phụ nữ rối rít:
- Chính là nó. Sao cậu biết?
Tuấn Khanh vừa bước đi vừa đáp lại:
- Bà hãy tới đây nhận dạng coi có phải...
Nhưng chỉ nói được bấy nhiêu lời anh đã vội ngưng ngang, khuôn mặt đầy ngỡ ngàng cùng tiếng kêu kinh ngạc:
- Ủa, đâu rồi...
Người phụ nữ nhìn theo anh:
- Cậu vừa nói cái gì đâu?
Tuấn Khanh nghệch mặt dòm lung tung:
- Cái pho tượng bị bể có em gái bà trong đó.
- Liên quan gì tới em gái của tôi chứ?
- Tất nhiên phải có liên quan tôi mới nói. Nhưng đâu mất tiêu rồi?
Người phụ nữ ngơ ngác:
- Cậu kêu cái gì mất?
Chiếc miệng của Tuấn Khanh tròn vo:
- Thì pho tượng...
- Chung quanh đây thiếu gì.
- Không phải những pho tượng lành lặn này. Tôi muốn nói cái pho tượng bị bể.
- Cậu nói năng điên khùng quá. Tượng bể thì còn giá trị gì mà phải tìm.
- Đành rằng thế. Nhưng vấn đề ở chỗ là nó có chứa đựng em gái bà.
Người phụ nữ đột ngột đưa tay sờ vào trán Tuấn Khanh:
- Cậu có phải là người bình thường không?
Tuấn Khanh liền phản đối:
- Ý bà muốn nói tôi là kẻ tâm thần ư? Hoàn toàn không đúng
đâu, tôi là người tỉnh táo và lời tôi thốt ra có cơ sở đàng hoàng.
Người phụ nữ ngơ ngác:
- Liệu tôi có thể tin cậu không?
- Tùy bà thôi. Điều cần thiết bây giờ là phải lôi lão Hoàng Huy ra hỏi coi cô gái giúp việc của ông ta đâu rồi.
Người phụ nữ lắc đầu:
- Khi tôi tới đây không hề thấy ai ngoài hắn cả.
- Nhưng tôi tin rằng Hương Lan đã đến cửa hiệu, bằng chứng là chiếc túi đeo của cô ta đang hiện diện ở đây.
Rồi anh giật thót người kêu lên:
- Ồ, có khi cô ấy đã bị hại rồi? Biết đâu Hương Lan lại chẳng là nạn nhân kế tiếp sẽ bị đem nặn tượng.
Nhìn sự hốt hoảng của Tuấn Khanh, người phụ nữ thoáng hình
dung ra được cái điều mà nãy giờ bà hoàn toàn mù tịt. Nhưng càng hiểu
thì bà càng cảm thấy lo sợ cho cô em gái xinh đẹp của mình.
Mặc cho sự ngạc nhiên của bà Diễm Hương, Tuấn Khanh lùng sục
khắp mọi ngõ ngách của gian phòng trưng bày với hy vọng sẽ tìm thấy
Hương Lan nằm xỉu ở đâu đó. Nhưng sau khi xem xét kỹ, anh chẳng phát
hiện bóng dáng của cô đâu. Ngay cả xác của Diễm Hà và những mảnh vỡ từ
pho tượng cũng tự dưng biến mất, cứ như tại đây chưa hề có chuyện gì
xảy ra. Anh lẩm bẩm:
- Lạ thật. Rõ ràng chiều qua cái xác ấy vẫn còn nằm ở đây.
Bà Diễm Hương hỏi lại:
- Cậu đang nói điều gì vậy? Cái xác nào?
Tuấn Khanh tỏ vẻ trấn an người đàn bà:
- Trước khi nghe tôi thông báo lại xin bà hãy bình tĩnh.
Toàn thân bà Diễm Hương khẽ run lên:
- Cậu làm tôi sợ quá.
Trong tia nhìn của Tuấn Khanh chứa đựng sự thương hại:
- Lời tôi nói ra chắc chắn không phải điều lành. Nếu bà không chịu nổi thì thôi vậy.
Dù trong lòng rất sợ hãi bà Diễm Hương vẫn cố ép:
- Tôi tin cậu, biết được gì thì hãy nói.
Tuấn Khanh nhìn chăm chăm vào gương mặt còn rất đỗi nhan sắc
của bà Diễm Hương, bụng thầm khen chị em họ có vẻ đẹp thật giống
nhau. Anh mấp máy bờ môi:
- Bà có tin rằng cô Diễm Hà đã bị sát hại rồi không?
Linh tính bà Diễm Hương báo trước nãy giờ, nhưng khi nghe
Tuấn Khanh nói bà vẫn không đứng nổi đã ngã ngồi phịch xuống:
- Diễm Hà bị giết chết rồi ư?
Tiếng kêu thảng thốt lẫn bàng hoàng của bà Diễm Hương làm
Tuấn Khanh chạnh lòng dù anh đã biết rõ sự việc từ mấy hôm. Anh từ từ
gật đầu:
- Phải, Diễm Hà đã chết rồi. Tôi và cô bạn gái giúp việc tại
cửa hiệu này đã phát hiện ra sự khủng khiếp ấy từ nhiều ngày trước.
Sau một lúc sững sờ để nhìn nhận sự thật, bà Diễm Hương bắt đầu khóc:
- Hu hu hu, lẽ nào em gái tôi lại không còn trên cõi đời này
khi nó đang là một người nổi tiếng chứ. Diễm Hà ơi, chị không cho
phép em chết sớm vậy đâu. Hu hu hu…
Đứng trước thảm cảnh tang thương của người khác Tuấn Khanh
cũng hết sức mủi lòng, anh phải quay mặt đi một hồi mới ngoảnh lại an
ủi:
- Theo tôi thì phải mau báo với chính quyền chứ chúng ta không dễ dàng bắt hắn.
Tuấn Khanh lại quyết định theo ý riêng của anh:
- Ông Hoàng Huy chỉ có một mình, nếu phá hỏng được cánh cửa
tôi và bà cũng có thể khống chế được ông ta mà hỏi cho ra lẽ.
Nghĩ lại hành vi thô bạo của người chồng cũ lúc nãy, bà Diễm Hương không ngớt run:
- Hắn đã trở thành con quỷ sống, cậu phải nên cẩn thận. Tôi
không ngờ hắn lại có ý định giết chết cả tôi. Ôi! Cổ tôi nãy giờ vẫn
còn đau, tôi không tham gia bắt hắn đâu.
Thấy bà Diễm Hương lo sợ Tuấn Khanh cũng chùn lòng nhưng nghĩ tới sự an nguy của Hương Lan, anh giữ nguyên ý định:
- Bà sợ thì cứ rời khỏi cửa hiệu này để mặc tôi với hắn. Tôi
đoán bên trong cánh cửa kia còn nhiều điều bí mật đang chờ sự khám
phá của tôi.
- Cậu sẽ gặp nguy hiểm chứ chẳng chơi. Con người của Hoàng Huy tôi biết rõ hơn ai hết.
Không để ý đến lời khuyên của người phụ nữ, Tuấn Khanh nói:
- Tôi sẽ nghĩ cách phá ổ khóa kia ra.
- Tôi không giúp được gì cho cậu đâu. Tôi chỉ muốn biết nếu Diễm Hà chết thật thì xác nó đang ở đâu?
- Chắc chắn chỉ quanh quẩn nơi đây thôi, lão Hoàng Huy chưa thể tẩu tán đi nơi khác hoặc hủy xác nhanh thế được.
Điệu bộ bà Diễm Hương cuống cuồng lên:
- Chúng ta phải làm gì bây giờ chứ không thể để hắn tiêu hủy xác của em gái tôi.
- Muốn vậy thì bà phải hợp lực cùng tôi. Tôi cũng đang rất nóng lòng về sự vắng mặt của cô bạn gái.
Lúc này bà Diễm Hương đã ngừng khóc nhưng chẳng giúp gì được
cho Tuấn Khanh ngoài việc khiến anh phải bối rối thêm vì lo cho tính
mạng của Hương Lan.