Họa Bì
Ở đất Thành Đô, Tứ Xuyên có nhà họ Dương
nổi tiếng cự phú, tổ tiên ba đời chuyên nghề buốn tơ lụa. Thành Đô ở
về phía cực Tây của Đại Đường, ngăn cách với miền bình nguyên Quan
Trung bởi những dãy núi cao vời vợi và cực hiểm trở, đường sá đi lại
thật khó khăn. Thời Tam Quốc Thục - Ngô - Ngụy, Hán chúa Lưu Bị nhờ
thiên nhiên bảo bọc, chỉ có một con đường độc đạo vào Tứ Xuyên, quân
Ngô và quân Ngụy đánh mãi không thắng nổi nên đất nước Trung Hoa bị
tam phân trong cái thế đỉnh lập. Cuộc chiến tranh Tam quốc kéo dài kéo
dài gần bảy mươi năm, đến khi Tư Mã Viên tiếm đoạt ngôi vị của nhà
Ngụy, sai hai tướng giỏi là Chu Hội và Đặng Ngãi đi đường tắt Trần
Thương đánh diệt được nước Thục, rồi Đỗ Dự cùng Vương Tuấn tấn công
diệt Ngô ở miền Giang Nam. Trung Hoa được thu về một mối, Tư Mã Viêm
lập nên nhà Đại Tấn. Đất Tứ Xuyên đã mất đi vượng Hán tộc, nên một
thời gian dài là một vùng đất thâm sơn cô lập với thế giới bên ngoài.
Đến thời nhà Đường, đời Huyền Tôn nhân chạy loạn An Lộc Sơn, quần thần
có người tâu xin lánh nạn vào Thành Đô, bởi thế Tứ Xuyên được vượng
trở lại. Ông tổ họ Dương là Dương Kiến là một lại quan nhỏ, làm hành
tẩu chạy công văn cho bộ Hình. Dương theo Huyền Tôn vào Thành Đô, khi
vua hồi giá về Trường An, thì Dương hành tẩu xin ở lại lập nghiệp,
cưới vợ sinh con. Khi Dương Kiến qua đời, thì con trưởng là Dương Văn
đứng ra trông coi sản nghiệp của tổ phụ.
Nhận thấy dân Thành Đô thiếu vải mặc, Dương về vùng bình
nguyên Dương Tử và vùng Phúc Kiến mua tơ lụa về bán lại, một vốn mà
lời đến mấy mươi, chẳng mấy lúc mà nhà giàu cự vạn, nhân đó Dương mua
được chức Viên Ngoại Lang. Dương Văn tính tình hào phóng hay giúp đỡ
người cùng khó và bạn hữu lúc gặp phải cơn nguy biến chẳng khác nào Mạnh
Thường Quân. Bình Nguyên Quân thời Xuân Thu, dân trong thành cung
kính tán tụng là Dương công. Dương công có một con trai là Dương Lãm,
thư sinh nho nhã, văn chương nức tiếng, làu thông tứ thư ngũ kinh, lúc
mười sáu tuổi đã đậu Tú Tài, nhân hậu quảng đại còn hơn cha. Năm
Dương sinh được mười tám tuổi, Dương công cưới Vương thị về làm vợ cho
chàng. Vương thị là cô gái yêu của một viên quan hồi lưu vẫn thường
qua lại Dương công rất thân tình, vì cả hai đều là cựu quan tòng giá
Huyền Tôn thuở xưa. Dương công chọn một cuộc đất thật tốt, mướn thợ
giỏi cất cho đôi vợ chồng trẻ một toàn trang viện thật lớn và tuyệt
đẹp, bỏ tiền ra mua thêm tôi tớ cho sang hầu hạ.
Vương tiểu thư nổi tiếng tinh diệu cầm, kỳ, thi, họa,
tài đã thế mà sắc cũng chẳng nhường. Nhiều bậc công tử tài tuấn ở
Thành Đô hâm mộ đánh tiếng xin bàn tay và trái tim của nàng, nhưng
Dương sinh lại là con người may mắn hơn cả, có lẽ là nhờ phúc đức của
tổ tiên chăng. Hai vợ chồng trẻ yêu nhau gắn bó như đôi uyên ương,
sống với nhau hạnh phúc trong ái ân mặn nồng. Nhưng khổ nổi, đã nhiều
năm trôi qua rồi, ông bà Dương công mỏi mòn trông chờ cháu nội nối
giòng, mà chẳng thấy Vương thị báo tin mừng gì hết. Dương công bàn với
Dương phu nhân lấy thiếp cho con trai. Dương sinh nghe được tin ấy,
chàng vào nói với cha mẹ xin để cho thư thả, bởi chàng không muốn làm vợ
buồn. Vương thị hay biết chuyện, nàng thấy trong lòng cảm kích vô
cùng, tấm tình yêu trong tim càng chan chứa thiết tha. Vương thị thỏ
thẻ thưa với chồng:
_ Thiếp bạc phước không cho chàng chút hương nối dõi tông đường, thiếp tự nguyện cưới thêm vợ cho chàng.
Dương sinh nghiêm mặt khoát tay:
_ Nàng còn không rõ lòng ta hay sao, ta nguyện trọn đời
chỉ biết có nàng thôi. Tất cả đều là do số mệnh định đoạt, có con hay
không có, nào phải ai muốn cũng được đâu!
Vương thị sà vào lòng chồng khóc vùi. Nhưng nàng đã có
một dự định trong lòng, sẽ dành cho chồng một sự ngạc nhiên thích thú.
Vương thị cho mấy con ở tâm phúc hàng ngày ra chợ dò tìm việc riêng
cho nàng. Một hôm, con Thanh Liên hối hả chạy vào báo tin:
_ Thưa đại nương, xin hay theo em, em mới vừa tìm thấy một người...
Vương thị đặt bàn tay mềm mại của nàng lên vai Thanh Liên ôn tồn hỏi lại:
_ Em hãy nói rõ hơn cho ta nghe.
_ Dạ, có một cô gái tuyệt đẹp mặc áo tang ngồi ngoài chờ
xin được bàn mình để lấy tiền chôn cất cho mẹ. Nàng đẹp lắm đại
nương...
Thanh Liên bỗng ửng hồng đôi má:
_ Em là phận gái mà thấy nàng còn muốn yêu nữa là!
Vương thị khoan thai đứng dậy, trong lòng nàng dậy lên một nỗi vui mừng khôn tả:
_ Vậy em kêu người khiêng kiệu và hãy dẫn đường cho ta
Thủ phủ Thành Đô thời thịnh Đường đã trở nên thành một
thành phố sầm uất, phồn thịnh, người ngựa, xe kiệu tấp nập trên những
con đường nhộn nhịp người qua lại, quán xá hai bên đường tấp nập kẻ
mua bán, ồn ào náo nhiệt vô cùng. Đã lâu không có dịp ra phố, Vương mê
mãi ngắm nhìn quang cảnh tưng bừng chung quanh, trong lòng vơi đi
được ít nhiều nỗi buồn hiếm muộn của mình.
Trong lúc nàng còn đang vén rèm kiệu, thì đột nhiên một
khuôn mặt già cỗi, râu tóc trắng xóa bụi đường hiện ra ngay bên khung
kiệu, Vương thị giật mình nhận ra là một đạo sĩ. Người đạo sĩ mặc một
chiếc áo vải bào trắng đã mòn cũ xơ xác, trên ngực áo có thêu một cái
hình tròn âm dương dịch lý, phía sau lưng nhu lên một cái cán gươm đã
lên nước đen tuyền. Vị đạo sĩ chấp tay hướng về Vương thị:
_ Bần đạo ở xa đến, mong nữ thí chủ từ tâm bố thí.
Vương thị kéo rèm xuống bảo Thanh Liên:
_ Em hãy dẫn vị này sang chỗ hàng vải của Lý chưởng quầy
nói xuất hai mươi lượng bạc và mấy thước lụa tốt cúng dường.
Đạo sĩ lại chấp tay tỏ vẻ cảm ơn:
_ Cảm kích ơn đức của phu nhân, sau này có việc gì cần
xin cứ tìm bần đạo nơi Tam Thanh Đạo Quán ở của Tây thành, đạo hiệu
của bần đạo là Huyền Vi.
Vương thị ngạc nhiên vô cùng. Dương gia nổi tiếng là giàu
có tột bậc, thì còn có gì cần đến một đạo sĩ nghèo nữa chứ. Chiếc kiêu
chưa kịp chuyển động, thì lại một khuôn mặt nhem nhuốc của một ông
già ăn mày đã hiện ra. Ông lão ăn vận thật tồi tàn, thân thể ốm đói
gầy gò trong bộ quần áo rách nát tả tơi, râu tóc rối nùi như những
cuộn tơ cũ lâu năm. Ông già vừa ho sù sụ làm nước dãi bắn cả vào kiệu
vừa run rẩy kêu van:
_ Xin đại nương thương tình bố thí...
Từ người ông già ăn xin bốc lên mùi khê nồng, Vương thị
cố nén lắm mới không đưa tay lên bịt mũi, nhưng là con người nhân từ
chưa hề từ chối một sự kêu xin giúp đỡ nào, nàng vẫn quay sang bảo
Thanh Liên:
_ Em chịu khó dắt ông lão sang nói với Lý chưởng quầy xuất năm lượng bạc với mấy thước vải tốt cho lão bá này.
Con Thanh Liên không có được trái tim bao dung như bà
chủ, nó thầm rên trong lòng. Trời đất ơi, bố thí cái kiểu này chẳng
mấy lúc mà cả nhà họ Dương chắc cầm bị gậy ra đường giống như ông già
này quá đi thôi.
Con Thanh Liên nói thật đúng. Khi giở rèm kiệu quan sát
người thiếu nữ mặc áo tang trắng ngồi dưới đất, Vương thị là một tiểu
thư dung nhan tuyệt sắc là vậy mà cũng phải buột miệng kêu khẽ:
_ Ôi trời, thế gian sao có người đẹp đến thế!
Cảm biết có một vị phu nhân đang chăm chú nhìn, cô gái
ngước đôi mắt đen lay láy lên chấp tay vòng trước ngực cúi đầu chao.
Cô gái trẻ tuổi ước chừng mười lăm, mười sáu, nàng đang ngồi trên một
tấm vải đen, phía trước mặt có một cái bài vị vẽ chữ đỏ, một miếng vải
trăng bên trên có hàng chử, chao ơi, ai mà tài hoa với những đường
nét như rồng bay phượng múa thế này: TIỂU NHỮ NGÔ THỊ XIN BÁN MÌNH LÀM
NÔ TÌ ĐỂ CHÔN CẤT THÂN MẪU MÃN PHẦN.
Vương thị nghĩ thầm, nếu là nét bút của nàng thì cô gái
này phải là một bậc tài nữ, thật rất xứng đáng với Dương lang. Vương
thị cảm động giở rèm lên hỏi xuống:
_ Ngô tiểu thư, thật thảm thương cho cô, cô muốn bán thân bao nhiêu?
Ngô thị đôi mắt đẫm đầy lệ phục xuống lạy:
_ Thưa đại phu nhân, tiện nữ chỉ xin đủ tiền để thân mẫu
có chỗ yên nghĩ. Xin đại phu nhân gia ơn cứu nạn, tiện nữ nguyện làm
nô tì ba đời.
Rung động trước tấm lòng hiếu của một người con, Vương
thị bước xuống kiệu dùng tay áo lau mặt cho cô gái trẻ. Không son,
không phấn mà da mặt của nàng mịn màng như những cánh hoa hồng trắng
dưới ánh mắt mùa hạ. Lúc ấy người hiếu kỳ thấy chuyện lạ kéo đến vây
quanh, chiêm ngưỡng dung nhan tuyệt trần của nàng, nhiều chàng trai đã
kêu ồ lên xuýt xoa. Có kẻ định tiến ra tranh mua người ngọc với Vương
thị, nhưng ngại thế lực lớn nhà họ Vương nên đành thôi trong hậm hực.
Vương thị thấy vui vẻ trong lòng lắm. Nàng sẽ tặng cho chồng món quà
quí báu này để đáp lại tình yêu của chàng. Vương thị đỡ thiếu nữ dậy
dịu dàng nói:
_ Em hãy về ở với ta, em sẽ không hối tiếc đâu. Ta sẽ
cho người an táng bá mẫu chu đáo trong một cuộc đất rộng rãi bên chùa
Tây Thiên.
Ngô thị chỉ còn có thể quỳ xuống lạy ân nhân liên hồi, đên
khi Thanh Liên đỡ dậy thì mặt mũi nàng đã lấm lem đầy bụi cát.
Nhiều tuần liền, Dương sinh mãi trông coi mấy cửa hàng
vải lụa ngoài phố, nào đâu biết có những chuyện ghê gớm, kỳ thú đang
chờ đợi chàng ở nhà. Mỗi buổi sáng tiễn chồng ra phố, Vương thị thường
mỉm cười hóm hỉnh, Dương sinh cảm biết có việc lạ liền hỏi:
_ Hôm nay em có gì vui vậy?
Vương thị lắc đầu, đôi mắt ánh lên một vẻ bí mật:
_ Không có gì, em muốn chàng ra đi luôn mang nụ cười của em trong đáy tim chàng.
Nhưng thực tế thì ở nhà, Vương thị đã cùng với Thanh
Liên và bọn người làm gấp sửa sang căn nhà phía Tây cho được đẹp đẽ,
nếu không muốn nói là lộng lẫy để làm nơi động phòng cho đôi tân nhân.
Vương thị đã tận tụy bỏ thật nhiều tâm lực trang hoàng bày trí căn
phòng, sao cho lúc nào cũng thoang thoảng hương thơm, những chiếc gối
lụa hồng mịn màng trên chiếc thảm nhung êm ái, đôi bức màn mỏng như
sương khói vắt hai bên nóc giường. Những chậu hoa hồng, hoa thược
dược, mẫu đơn đẹp nhất, mỗi loài hoa mỗi màu sắc kỳ diệu tỏa hương
ngây ngất. Tất cả đều toát ra một sự quyến rũ tột độ, mà bất cứ người
đàn ông nào lạc vào chốn này, với một người đẹp diễm kiều ngồi bên ánh
hồng lạp, sẽ thấy mình đang bước vào một thế giới thần tiên đang chờ
đợi nhưng giây phút ái ân tuyệt đỉnh.
Khi mọi chuyện đã xếp đặt hoàn mỹ, Vương thị chọn ngày
lành để gả thiếp cho chồng. Thật thế gian hiếm có một người nào tận
tụy và lạ lùng như nàng. Thói thường thì người ta chỉ chia của, chứ
không ai chia chồng. Nhưng Vương thị biết rằng, sớm hay muộn thì Dương
viên ngoại cũng buộc Dương sinh lấy vợ lẽ, chi bằng lấy trước cho
chàng, há chẳng phải được lòng nhà chồng hay sao.
Đêm hoa chúc, Dương vẫn chẳng biết tí ti gì chuyện tày
đình trong nhà. Vương thị ăn mặc điểm trang thật diêm dúa, làm cho
Dương sinh mê mẫn cả hồn lẫn phách. Vương thị cố ý chuốc rượu cho Dương
sinh say mèm, rồi nàng dìu chàng vào mái Tây. Vừa ngã lưng lên giường,
Dương đã lăn ra ngủ say sưa, chưa kịp nhìn thấy một mỹ nhân đang ngồi
nép trong góc. Vương thị vuốt má Ngô thị:
_ Đêm nay em hầu hạ Dương quân nhé, nhớ chìu chuộng chàng thật nhiều. Giòng họ Dương trông cậy vào êm đấy.
Ngô thị phục xuống lạy Vương thị:
_ Muôn đội ân đức của đại phu nhân, nô tì nguyện dâng hiến con của nô tì làm con của phu nhân.
Vương thị cảm động đỡ cô gái dìu vào giường:
_ Em thật là một con người phúc hậu, thế nào Dương quân cũng ưu ái em hơn chị cho mà xem!
_ Dạ, nô tì không dám...
Đến nửa đêm, một mùi hương kỳ lạ, sực nức trong màn làm
Dương chợt tỉnh, chàng xoay người chạm phải một tấm thân mền mại nằm
bên. Dưới ánh sáng mờ ảo của đôi hồng lạp trên bàn từ giữa phòng bắt
vào, Dương vẫn còn nửa tỉnh nửa mê, trước mắt chàng là khuôn mặt lung
linh của Vương thị. Nàng chỉ còn mặc chiếc yếm đỏ che ngực, đôi cánh
tay trần tròn trĩnh và trắng muốt như ngọc, hơi thở thơm tho của nàng
phả vào mũi làm Dương ngất ngây, lửa dục đã hừng hực bốc lên tim. Đôi
mắt ướt long lanh của mỹ nhân ẩn hiện sau mái tóc dài đen tuyền với
hàng mi cong vút như ánh trăng thiết tha mời gọi. Đôi môi hồng tươi
của nàng hé mở một nụ cười mê hồn, hai bàn tay uyển chuyển đưa lên từ
từ cởi bỏ chiếc yếm.
Dương chết lặng nhìn sững vào tấm thân ngọc ngà của giai
nhân dưới ánh đèn chao đảo, trong tim chàng cuồn cuộn bốc lên một
ngọn lửa ham muốn. Rồi đôi cánh tay mềm mại của nàng vòng lên cổ Dương
sinh thít chặt như hai con rắn giao tình. Thật lạ lùng, Vương thị
chưa hề bao giờ biểu lộ những cử chỉ nóng bỏng đến táo bạo như thế
này. Không kềm lòng được nữa, Dương ôm ghì lấy người mà chàng cứ ngỡ
là Vương thị. Đôi tài tử giai nhân lao vào cuộc ái ân trong một nỗi mê
cuồng cuống quít. Cái thân thể ẻo lả mát rượi của người ngọc dính
chặt vào người Dương không rời, càng làm cho chàng vừa kinh dị vừa
thích thú. Hai người cứ miệt mài dâng hiến cho nhau, đến khi có tiếng
gà gáy canh ba, thì Dương mới biết rằng thân thể chàng đã ra rời, tay
chân chàng bủn ra từng khúc một, như sau một cơn bệnh ngặt. Đến lúc
người đẹp ngồi trước đèn chải tóc mỉm cười tình tứ nhìn chàng, thì
Dương mới bàng hoàng nhận ra rằng, trời ơi, nàng không phải là Vương
thị. Dương kinh hoảng kêu lên:
_ Nàng kia, nàng là ai, nàng dám...
Cô gái phục vào gối Dương sinh khóc lóc:
_ Xin Dương tướng công tha tội, thiếp vâng lệnh đại phu nhân hầu hạ tướng công.
Dương sinh sửng sốt nhìn cô gái không biết phải hành
động ra sao. Trong lòng chàng vừa bi phẫn chính sự mềm yếu dù là vô
tình của mình, vừa thương hại đời một cô gái trẻ. Dương xốc áo ngồi
bên bàn nghiêm giọng hỏi:
_ Tại sao có chuyện kỳ quái như thế này, nàng hãy kể cho ta nghe.
Ngô thị vẫn quỳ phục bên gối Dương, thủ thỉ kể cho chàng
nghe nỗi bất hạnh của đời nàng. Dương sinh bồi hồi nâng khuôn mặt đã
đầm đìa nước mắt của cô gái lên. Bất chợt, đôi môi nhỏ ngọt mềm của cô
gái nở nụ cười quyến rũ:
_ Từ nay, nếu tướng công không chê thiếp xấu xa, thì thiếp xin nguyện hầu hạ tướng công...
Dương chưa kịp biểu lộ phản ứng, thì nàng đã ngồi gọn
vào trong lòng bá lấy cổ chàng kéo xuống, răng cắn nhẹ vào môi Dương
thì thào:
_ Em nguyện hiến dâng tất cả cho chàng...
Sáng hôm sau, khi Thanh Liên vâng lệnh Vương thị đến vấn
an, thì Ngô thị hé cửa bảo về thưa lại phu nhân Dương quân không được
khỏe, xin phu nhân nhờ người ra trông coi cửa hàng. Nghe con nữ tì
bẩm lại, Vương thị mỉm cười:
_ Cái anh chàng háo sắc đó thật là quá quắt lắm. Ngày xưa,
lúc ta với chàng... trong đêm tân hôn, chàng cũng cáo bệnh với song
thân như thế!
Ngô thị giữ rịt lấy Dương sinh trong phòng suốt mười ngày
liền, nàng giở đủ mọi trò mê hoặc. Dương càng lúc càng mê đắm, không
còn nhớ tới vợ lớn và công việc buôn bán gì nữa, chỉ cứ miệt mài lao
vào cuộc truy hoan với nàng. Một hôm, nhân lúc Ngô thị có chút việc
vào nhà tắm, Dương tình cờ nhìn lên chiếc gương đồng treo trên bàn
trang điểm của cô thiếp, bỗng chàng giật mình kinh hãi, suýt nữa đã
ngã ra trên sàn nhà. Một con người tiều tụy hốc hác, đôi mắt thâm
quầng, đôi gò má nhô cao làm cho đôi môi của chàng vểu lên như người
bị hô, da mặt vàng vọt dăn dúm như một người bệnh nặng sắp chết. Dương
loạng choạng mở cửa bước ra ngoài tìm về Đông viện. Vương thị mấy
ngày qua thật hết sức sốt ruột và đã bắt đầu tự trách đã bày chuyện
không nên làm.
Nhưng nàng đã tự an ủi, đàn ông thói thường ai cũng thế.
Mới cưới vợ trẻ đẹp, thì mê mệt chuyện gối chăn là chuyện thường
tình. Vương thị vừa định gọi Thanh Liên bảo nó sang vấn an phu quân
thì Dương đã xô cửa bước vào. Chỉ có một khoảng đường ngắn vài mươi
thước mà Dương cảm thấy rất mệt mỏi, trong người như đã cạn kiệt sinh
lực, chàng ngồi trên ghế ôm ngực thở hổn hển:................
-Phu nhân, xin cho chén trà sâm... ta... ta...
Nhìn dung nhan tiều tụy của chồng, Vương thị cực kỳ
hoảng hốt, nàng kêu bọn con ở ầm ĩ. Dương sinh dựa đầu vào ngực vợ
thều thào:
_ Phu nhân, ta làm sao vậy, dường như ta bị bệnh thì phải...
Vương thị vừa quạt cho chồng vừa rên lên trong lòng.
Trời ơi, có phải chăng chàng đã vướng chứng trúng phòng, là cái bệnh
cạn tinh lực vì chuyện ái ân thái quá. Vương thị nghiến răng tự nguyền
rủ lấy mình, là đã rước họa vào nhà. Vương thị dìu chồng vào nằm trên
giường đắp ấm cho chàng. Con Thanh Liên đem vào chén trà sâm thơm
phưng phức, Dương sinh tiếp lấy ướng cạn. Vừa đặt lưng nằm xuống,
chàng đã mê mệt lịm đi trong giấc ngủ nặng nề. Vương thị bảo Thanh
Liên khóa chặt cửa phòng, không cho bất cứ ai vào quấy động, bởi nàng
muốn tự tay chăm sóc cho chồng được bình phục.
Được mười ngày, Dương sinh đã mạnh khỏe đến tám, chín
phần, chàng bèn đòi ra ngoài trông coi cửa hàng. Vương thi hỏi đùa:
_ Tướng công không muốn bệnh lần nữa sao?
Dương sinh bẽn lẽn chấp tay xa dài:
_ Thôi, bấy nhiêu đã đủ, ta thật không tốt với phu nhân.
Tuy phu nhân có lòng, nhưng đã làm ta lỗi đạo với nàng, trái tim của
ta giờ đây đã bị cắt ra làm đôi rồi.
Vương thị đưa tay áo lên che miệng cười:
_ Thiếp chỉ mong chàng mau có con nối giòng. Nhưng cũng đừng phu bạc người đẹp nhé.
Tự thẹn với lòng, Dương sinh không chịu vào phòng với
Ngô thị nữa, mỗi đêm chàng vào nghỉ với vợ lớn. Vương thị trìu mến nói
với chồng:
_ Em không ghen đâu, anh đừng bất công với Ngô thị lắm.
Dương sinh ậm ừ khất lần với vợ. Ngô thị dường như biết
mình đã táo gan làm chuyện tày đình nên mỗi lần Dương ghé sang, nàng
không nài ép chàng gió trăng thái quá nữa. Từ đó Dương yên lòng vui
thú hưởng lạc với hai cô vợ tiên. Một hôm, Ngô thị thẹn thùng nép vào
ngực chồng thỏ thẻ nói:
_ Tướng công ơi, thiếp thấy trong người kỳ lạ lắm, chắc là thiếp đã... có cái... mầm của chàng trong người rồi.
Dương kêu lên sung sướng, chàng vội ẩm vợ đặt lên giường âu yếm vuốt ve:
_ Để ta mời thầy vào xem mạch cho nàng, từ này nàng phải bảo trọng.
Ngô thị bẹo má Dương ỏng ẹo:
_ Thân thể thiếp mỏng manh lắm, từ nay chàng cũng thôi nhé, đừng...
Dương sinh đứng dậy chấp tay:
_ Cái đó ta tự biết, chỉ mong mẹ con vuông tròn sau này.
» Quay lại mục truyện trước