Tên tôi là Jacqueline. Dạo đó, tôi đang có mặt ở Trung Đông để làm
việc cho một tổ chức nhân đạo, tổ chức Terre des hommes. Tôi đi khắp các
bệnh viện, tìm những trẻ em bị bỏ rơi, bị khuyết tật hoặc suy dinh
dưỡng. Tôi cộng tác cới CICR, Hội Chữ Thập đỏ quốc tế và nhiều tổ chức
khác có nhiệm vụ cứu trợ người Palestine và người Israel. Vì vậy, tôi
làm việc trong hai cộng đồng người này và tôi có rất nhiều dịp tiếp xúc
với cả hai dân tộc. Tôi sống chung với họ.
Nhưng mãi bảy năm sau khi có mặt ở Trung Đông, tôi mới được nghe nói
đến những cô gái bị sát hại. Gia đình lên án họ về tội gặp gỡ hoặc nói
chuyện với một người con trai. Nhiều khi, họ bị kết tội mà không có bằng
chứng cụ thể, chỉ dựa vào lời nói vu vơ của một ai đó. Cũng có những cô
gái đã thật sự yêu thương một chàng trai, một điều mà cộng đồng của họ
không bao giờ hình dung nổi và cũng không đời nào chấp nhận, bởi vì các
ông bố luôn là người có quyền quyết định trong việc gả chồng cho con
gái. Tôi nghe nói...Người ta kể với tôi...Nhưng cho đến lúc đó, tôi vẫn
chưa từng chứng kiến một trường hợp thực tế nào.
Trong nếp nghĩ của người phương Tây, việc cha mẹ hoặc anh em trai có
thể giết chết con gái hoặc chị em gái của mình chỉ vì cô ta trót đem
lòng yêu thương một người con trai quả là một việc rất khó tin, nhất là
vào thời điểm đó. Ở phương Tây, người phụ nữ đã tự giải phóng, có quyền
bầu cử và có thể một mình sinh con...
Tôi đã ở đây được bảy năm, nên mặc dù chưa bao giờ được chứng kiến
nhưng tôi vẫn tin ngay từ lần đầu tiên nghe kể về chuyện đó. Hẳn đã tin
cậy lẫn nhau nên người ta mới đem một đề tài tối kị như thế ra nói nói
với tôi, nhất là khi vấn đề lại không liên quan đến người ngoại quốc.
Chính một phụ nữ đã quyết định kể tôi nghe tường tận. Đó là một chị bạn
theo đạo Thiên Chúa mà tôi thường tiếp xúc vì chị cũng tham gia công
việc chăm sóc các trẻ em. Chị đã gặp nhiều người mẹ đến từ nhiều ngôi
làng, từ khắp các vùng miền trong cả nước. Có thể xem chị như một
moukhtar[2] trong lĩnh vực này, nghĩa là chị thường mời những phụ nữ
khác uống cà phê hoăc uống trà rồi thảo luận về những chuyện đã xảy ra
trong làng của họ. Ở đây, đó là một kênh thông tin rất quan trọng. Hằng
ngày, người ta có thói quen uống cà phê, uống trà rồi trò chuyện. Thế là
chị có dịp phát hiện ra những trường hợp trẻ em đang gặp khó khăn
nghiêm trọng.
Một hôm, chị nghe một nhóm phụ nữ nói chuyện với nhau: "Trong làng có
một đứa con gái hư thân mất nết bị cha mẹ tìm cách thiêu chết. Nghe nói
con bé đã được đưa vào bệnh viện, ở đâu đó quanh đây thôi."
Chị bạn ấy có sức thu hút đến lạ lùng, mọi người đều mến phục chị và
chị còn can đảm lạ thường, sau này thôi đã có dịp tận mắt chứng kiến.
Thông thường, chị chỉ phụ trách vấn đề liên quan đến trẻ em, nhưng người
mẹ cũng liên quan trực tiếp đến trẻ em! Vì thế, vào khoảng ngày một5
tháng 9 năm ấy, chị bảo tôi:
"Chị Jacqueline này, trong bệnh viện
hiện có một cô gái đang sắp chết. Cô trợ tá xã hội khẳng định với tôi
là cô ấy bị một thành viên trong gia đình thiêu sống. Chị thử xem có thể
làm được gì cho cô ấy không?
– Chị còn biết chi tiết nào nữa không?
– Chỉ biết đó là một cô gái còn trẻ có thai và người trong làng cô ấy
bảo: "Thiêu cho chết là phải, bây giờ, nó đang sắp chết trong bệnh viện
đấy."
– Tàn nhẫn quá!
– Tôi biết, nhưng ở đây là như thế. Cô ấy có thai và giờ cô ấy sắp
chết. Chuyện chỉ có thế. Ai cũng cho là chuyện bình thường. Người nào
cũng bảo: "Tội nghiệp cha mẹ con bé!". Họ chỉ ái ngại cho hai người ấy
chứ không hề đoái hoài đến số phận người con gái bị thiêu. Vả lại, cô ấy
thật sự sắp chết, theo như tôi được biết."
Một chuyện như thế quả thực là hồi chuông báo động trong đầu tôi. Dạo
ấy, tôi làm việc ngay trong trung tâm Tổ chức Terre des hommes và người
điều hành trung tâm này là một người tuyệt với: Edmond Kaiser. Công
việc chủ yếu của tôi là chăm sóc trẻ em. Cũng vì lẽ đó, tôi chưa bao giờ
tiếp cận với những trường hợp tương tự, nhưng tôi tự nhủ: "Jacqueline
thân mến, mày phải đi xem việc gì đã xảy ra!"
Tôi đi ngay đến bệnh viện đó, một bệnh viện mà tôi không biết rõ lắm
vì tôi không hay đến đấy. Nhưng tôi không gặp vần đề gì vì tôi biết rất
rõ đất nước, phong tục của đất nước này, tôi cũng xoay xở giao tiếp được
bằng tiếng Ả Rập và tôi đã từng bỏ ra rất nhiều thời gian đi thăm các
bệnh viện. Tôi chỉ yêu cầu được đưa đến gặp một cô gái bị bỏng nặng.
Người ta không ngần ngại dẫn tôi đi và tôi bước vào một phòng lớn có hai
chiếc giường và hai cô gái. Ngay lập tức, tôi có cảm tưởng đây là một
phòng cách ly đặc biệt. Một nơi dành cho những trường hợp mà người ta
cho là không nên để người khác trông thấy.
Căn phòng hơi tối, cửa sổ có chấn song chắc chắn,hai chiếc giường, ngoài ra thì trống trơn.
Vì trong phòng có hai cô gái nên tôi hỏi người nữ y tá:
"Tôi muốn tìm cô gái vừa sinh được một đứa con.
– Thế à, cô ta kia!"
Và chỉ có thế. Người nữ y tá bỏ đi. Cô ta đi một mạch, không dừng lại
trong hành lang cũng không hỏi tôi là ai, không gì cả! Chỉ bâng quơ chỉ
về phía một chiếc giường. "Đấy, cô ta kia!"
Tôi trông thấy một cô gái tóc ngắn, xoăn nhưng gần như bị cắt trụi
hết và một cô gái khác tóc thẳng, dài chớm vai. Cả hai khuôn mặt đều đen
xì đầy những muội khói. một tấm chăn mỏng phủ lên người họ. Tôi biết đã
họ ở đây khá lâu rồi. Theo như người ta nói với tôi thì cũng khoảng
mười lăm ngày. Tôi thấy rõ họ không thể nói chuyện được. Cả hai đều sắp
chết. Cô tóc thẳng bị hôn mê. Cô kia, người vừa sinh con, thỉnh thoảng
mở he hé mí mắt.
Không ai lai vãng đến căn phòng này, không y tá, không bác sĩ. Tôi
không dám nói gì, cũng không dám sờ đến hai cô gái và không khí ở đây
bốc mùi hôi thối. Tôi đến với mục đích tìm một cô gái, nhưng lại phát
hiện có tới hai cô gái bị bỏng nặng khủng khiếp và không được chăm sóc.
Tôi chạy đi tìm một nữ y tá ở một phòng khác. Tôi bảo cô ấy: "Tôi muốn
gặp giám đốc bệnh viện".
Tôi đã quen với những bệnh viện kiêm nhà tế bần kiểu này, đối với
tôi, chẳng có gì là mới mẻ. Ông giám đốc sốt sắng tiếp tôi và còn tỏ ra
thiện cảm với tôi.
"Chả là thế này, thưa bác sĩ. Ở đây có hai cô
gái bị bỏng nặng. Bác sĩ cũng biết là tôi đang làm việc cho một tổ chức
nhân đạo. Chúng tôi có thể giúp đỡ họ được chăng?
– Xin cô nghe tôi...tôi không dám khuyên cô làm chuyện đó. Trong hai
cô gái ấy, một cô đã ngã vào đống lửa và cô kia là do việc riêng tư xảy
ra trong gia đình. Tôi thực tình khuyên cô không nên dính dáng đến
chuyện này.
– Thưa bác sĩ, công việc của tôi là giúp đỡ mọi người và đặc biệt là
giúp đỡ những người không được ai giúp đỡ. Bác sĩ có thể nói cho tôi
biết thêm một chút về chuyện này không?
– Không, không được đâu cô ạ. Cô nên cẩn thận. Đừng dây vào những chuyện như thế làm gì!"
Một khi người ta đã như vậy thì cũng không nên nài ép. Tôi bỏ lửng
câu chuyện ở đấy, nhưng tôi lại đi xuống phòng cách ly đặc biệt và ngồi ở
đó một lát. Tôi đợi, và hy vọng cô gái mở hé mắt lúc nãy có thể nói
chuyện với tôi. Tình trạng của cô gái kia thì đáng ngại hơn.
Vừa lúc ấy, một cô y tá đi qua hành lang, tôi cố hỏi:
"Cô gái trẻ kia, cái cô có tóc và đang nằm bất động ấy, cô ấy đã gặp phải chuyện gì vậy?
– À, cô ta bị ngã vào đống lửa, cô ta bị bỏng nặng lắm, cô ta chết rồi."
Một câu nói không hề có chút tình người. Đơn giản chỉ là một câu nhận
xét. Nhưng cái câu "Cô ấy bị ngã vào đống lửa" không dễ gì lừa được
tôi.
Cô gái kia khẽ động đậy. Tôi bước lại gần cô ấy và tôi ngồi đó một
lúc lâu, không nói gì. Tôi chú ý quan sát, tôi cố tìm hiểu, tôi lắng tai
nghe những tiếng động ngoài hành lang, mong có một người nào đó đến đây
để tôi có thể trò chuyện. Nhưng tôi chỉ thấy mấy cô y tá. Họ đi qua
thật nhanh, họ tuyệt nhiên không bận tâm đến hai cô gái. Rõ ràng không
có bất cứ sự chăm sóc nào dành cho hai bệnh nhân này. Thực ra, chắc họ
cũng đã được chăm sóc ít nhiều, nhưng tôi không nhận thấy. Không ai đến
gần tôi, không ai hỏi han gì tôi. Tôi tuy là người nước ngoài, ăn mặc
theo lối phương Tây nhưng lúc nào cũng kín đáo từ đầu đến chân để tỏ ý
tôn trọng truyền thống đất nước mà tôi đến làm việc. Đấy là điều kiện
tiên quyết để đi đến đâu cũng được chào đón. Trong bệnh viện này, ít ra
người ta cũng nên hỏi tôi đến đây làm gì nhưng trái lại, chẳng những họ
không hỏi tôi mà còn tỏ vẻ không thèm biết tôi đang có mặt.
Một lát sau, tôi cúi sát người cô gái mà tôi xem chừng còn nghe được
những gì tôi nói nhưng tôi không biết có thể chạm vào đâu trên người cô
ấy. Vì có tấm chăn mỏng che kín nên tôi không biết cô ấy bị bỏng ở những
đâu. Tôi thấy cằm cô ấy bị dính liền vào ngực thành một khối. Tôi thấy
hai vành tai cô ấy bị cháy và hầu như không còn gì. Tôi khoa tay trước
mắt cô ấy nhưng cô ấy không có phản ứng. Tôi không nhìn thấy hai bàn tay
và cánh tay cô ấy và tôi không dám giở tấm chăn mỏng đắp trên người cô
ấy. Cuối cùng tôi không biết phải xoay xở thế nào. Tuy nhiên cần phải
chạm vào chỗ nào đấy trên người cô ấy để ra hiệu cho cô ấy biết là tôi
đang ngồi bên cạnh. Như chạm vào một người đang hấp hối để cô ấy hiểu
rằng có ai đó đang ở đấy, để cô ấy có thể cảm nhận được có người bên
cạnh, có một sự tiếp xúc với con người.
Hai chân cô ta co lại, hai đầu gối nhô cao dưới lớp chăn mỏng như
những người đàn bà ngồi xổm nhưng lại theo chiều nằm ngang. Tôi đặt tay
lên đầu gối cô ta và cô ta mở mắt.
"Em tên là gì?"
Cô ta không đáp.
– "Xin em nghe đây. Chị sẽ giúp em. Chị sẽ quay lại và chị sẽ giúp em.
– Aioua."
Trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "vâng". Câu trả lời chỉ có vậy. Rồi cô
ta nhắm mắt lại. Tôi không biết cô ta có nhìn thấy tôi hay không nữa. Đó
là lần đầu tiên tôi gặp Souad.
- o O o -
Tôi ra về, cảm thấy tâm trạng rối bời. Tôi sẽ làm một điều gì đó, tôi
nhất định phải làm một điều gì đó! Trong tất cả những việc mà tôi đã
làm từ trước đến nay, bao giờ tôi cũng có cảm tưởng mình nhận được một
lời kêu cứu. Người ta nói với tôi về nỗi khổ đau, tôi sẽ đến đó ngay và
biết rằng mình sẽ làm một cái gì đó đáp lại lời kêu cứu ấy. Với Souad,
tôi chưa biết sẽ phải làm gì để giúp cô ấy, nhưng tôi sẽ tìm ra.
Thế là tôi quay lại gặp người bạn, chị đã nói cho tôi biết thêm mấy
chi tiết mới chính xác hơn, nếu ta có thể nói như thế, về trường hợp của
cô gái.
“Đứa trẻ do cô ta sinh ra đã được bên cứu trợ xã hội đưa về nuôi
dưỡng theo lệnh của cảnh sát. Về điểm này, chị không làm được gì đâu. Cô
ta còn trẻ, không ai ở bệnh viện chịu đứng ra giúp chị. Jacqueline, chị
hãy nghe tôi, chị không làm được gì đâu.
– Được. Rồi chúng ta sẽ thấy!”
Ngày hôm sau, tôi lại đến bệnh viện. Cô ta vẫn chưa tỉnh táo hẳn, còn
cô gái nằm giường bên vẫn trong tình trạng hôn mê. Mùi hôi thối trong
gian phòng thật không thể chịu được. Tôi không biết các vết bỏng lan
rộng đến đâu nhưng rõ là không có ai sát trùng. Ngày hôm sau nữa, một
trong hai chiếc giường bị bỏ trống. Cô gái nằm hôn mê kia đã chết trong
đêm. Tôi nhìn chiếc giường, trống không nhưng vẫn chưa được lau dọn mà
lòng buồn vô hạn. Khi bất lực trước một việc gì đó, người ta luôn cảm
thấy buồn vô cùng. Tôi tự nhủ: “Bây giờ hãy lo cho cô gái còn lại”.
Nhưng cô ấy vẫn còn nửa mê nửa tỉnh, cô ấy mê sảng suốt và tôi không
hiểu những gì cô ấy cố nói để trả lời câu hỏi của tôi.
Nhưng rồi đã xảy ra một sự kiện mà tôi gọi là phép lạ. Đó là việc tôi
gặp được một bác sĩ còn trẻ người Palestine, đây là lần đầu tiên tôi
gặp anh ta. Ông giám đốc bệnh viện đã nói với tôi: "Cô hãy bỏ qua chuyện
này đi. Cô ta sắp chết rồi". Nhưng tôi đã hỏi ý kiến của vị bác sĩ trẻ
này:
"Anh nghĩ thế nào? Tại sao mặt của cô ấy lại không được rửa sạch?
– Chúng tôi cũng đã cố rửa sạch hết mức có thể, nhưng không hề dễ
dàng. Đối với chúng tôi, trường hợp này rất khó, rất phức tạp, vì có
những phong tục...Chị hiểu đấy...
– Theo anh, chúng ta có cứu được cô ấy không? Chúng ta có thể làm gì để giúp cô ấy?
– Nếu đến giờ mà cô ấy chưa chết thì có thể vẫn còn cơ hội đấy. Nhưng
trong những chuyện như thế này, chị phải rất thận trọng."
Những ngày sau đó, tôi trông thấy mặt mũi cô ấy sạch sẽ hơn một chút,
có chỗ này chỗ kia được bôi thuốc mỡ. Anh bác sĩ trẻ hẳn đã chỉ thị cho
cô y tá, tuy cô ta đã cố gắng nhưng vẫn chưa thực sự hết sức. Sau này,
Souad kể lại cho tôi biết, ở bệnh viện người ta đã túm lấy tóc cô để rửa
cho cô trong một cái bồn tắm và người ta làm như thế chỉ vì không ai
muốn chạm tay vào người cô. Tôi không dám chỉ trích họ, như vậy chỉ làm
cho mối quan hệ giữa tôi và bệnh viện xấu đi mà thôi. Tôi trở lại để gặp
anh bác sĩ trẻ người Ả Rập, người duy nhất tôi xét thấy có vẻ tiếp cận
được.
"Tôi làm việc cho một tổ chức nhân đạo nên tôi có thể làm
được một cái gì đó cho cô ấy, vậy xin anh cho biết liệu cô ấy có hy vọng
sống không?
– Theo tôi thì có. Chúng ta có thể thử làm một cái gì đó, nhưng tôi không tin điều đó có thể thực hiện ở bệnh viện này.
– Nếu thế chúng tôi có thể chuyển cô ấy sang một bệnh viện khác.
– Có thể, nhưng cô ấy còn có gia đình, cha mẹ. Cô ấy là vị thành
niên, chúng ta không thể làm gì được! Chúng ta không thể can thiệp, bố
mẹ cô ấy đã biết cô ấy được đưa đến đây, bà mẹ đã tìm đến đây...mặc dù
từ đấy họ đã bị cấm không được đến thăm nữa...Đấy là một trường hợp đặc
biệt, tin tôi đi!
– Xin hãy nghe tôi, bác sĩ, tôi, tôi muốn làm một cái gì đó. Tôi
không biết những điều cấm kị ở đây nhưng anh vừa bảo tôi là cô ấy vẫn
còn hy vọng sống, dù chỉ chút xíu hy vọng thôi, tôi không thể bỏ rơi cô
ấy được".
Anh bác sĩ trẻ nhìn tôi, hơi ngạc nhiên trước sự ngoan cố của tôi.
Nhất định anh ta nghĩ rằng tôi không đủ khả năng...tôi cũng như bao
nhiêu thành viên khác của các tổ chức nhân đạo phương Tây không hiểu gì
về đất nước này. tổ chức nhân đạo phương Tây không hiểu gì về đất nước
này. Tôi đoán anh ta khoảng 30 tuổi và tôi thấy anh ta có vẻ dễ mến. Anh
ta cao dong dỏng, tóc nâu và nói tiếng Anh trôi chảy. Anh ta không
giống những người đồng nghiệp thường có thái độ khép kín trước yêu cầu
của người phương Tây.
"Nếu tôi có thể giúp được chị, tôi sẽ giúp."
Thế là đã chiến thắng được phần nào. Những ngày tiếp theo, anh ta sốt
sắng cho tôi biết về tình trạng của bệnh nhân. Anh ta đã từng du học ở
Anh, anh ta có học thức, hiểu biết văn hoá nên giao tiếp với anh ta cũng
khá dễ dàng. Tôi liền đi sâu hơn một chút về trường hợp của Souad và
tôi được biết rằng cô gái hoàn toàn không được chữa trị gì cả.
"Cô ấy là vị thành niên. Nếu không có ý kiến của cha mẹ cô ấy, chúng ta
không thể động vào cô ấy được. Mà đối với họ thì cô ấy đã chết rồi, hơn
nữa họ cũng chỉ đợi có thế.
– Nhưng nếu tôi muốn chuyển cô ấy đến một bệnh viện khác để cô ấy
được chăm sóc và chữa trị tốt hơn, anh nghĩ người ta có cho phép tôi làm
như thế không?
– Không. Chỉ cha mẹ cô ta mới có quyền cho phép và họ sẽ không đồng ý cho chị làm như thế đâu!"
Tôi lại tìm đến chị bạn, người đã khơi ra vụ này, và nói cho chị biết ý định của tôi:
“Tôi muốn đưa cô gái đến một nơi khác. Chị nghĩ thế nào? Làm vậy có được không?
– Chị biết đấy, nếu cha mẹ cô gái muốn cô ấy phải chết thì chị không
thể làm gì được đâu! Đối với họ, đây là vấn đề danh dự trước cả làng.”
Ở vào tình thế này, tôi đâm ra cứng đầu cứng cổ. Tôi không thể cam
chịu chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực, tôi phải chống lại, để tìm ra
một lối thoát tích cực, dù rất nhỏ. Và dù có thế nào chăng nữa, tôi cũng
phải theo đuổi ý định của mình đến cùng.
“Chị xem tôi có thể đến ngôi làng ấy được không?
– Đến đấy rất mạo hiểm. Chị hãy nghe tôi. Chị quên đó là một nguyên
tắc danh dự không thể tránh né được hay sao. Họ muốn cô gái ấy phải chết
bởi nếu cô ta không chết, danh dự của họ sẽ bị hoen ố, mãi mãi không
rửa được và gia đình họ sẽ bị cả làng khai trừ. Họ sẽ phải dời đi nơi
khác trong nhục nhã, chị có hiểu không? Chị có thể thử xông vào hang
cọp, nhưng theo ý tôi, chị đang rất liều lĩnh để rồi cuối cùng không
mang lại một kết quả nào. Cô ấy khó lòng thoát chết. Bị những vết bỏng
nặng như thế mà từ lâu không được chăm sóc, cô ấy không thể sống được
đâu, cô gái bất hạnh.”
Nhưng hôm tôi đến thăm, cô bé Souad ấy đã mở mắt được một chút. Và
khi tôi hỏi chuyện cô ấy cũng nghe được và trả lời được dù đang bị cơn
đau đớn hành hạ.
“Chị nghe nói là em đã sinh được một đứa bé. Nó đâu rồi?
– Em không biết, người ta đã mang nó đi. Em không biết…”
Với những gì mà cô ấy đang phải chịu đựng, và những gì đang chờ đợi
cô ấy, cái chết đã được dự báo trước theo lời kể của mọi người, tôi hiểu
rằng đối với Souad, đứa bé không phải là vấn đề quan trọng nữa.
“Souad này, em phải trả lời cho chị biết vì chị muốn làm một điều gì
đó cho em. Nếu chúng ta tìm được một lối thoát, nếu chị có thể mang em
đi nơi khác, liệu em có bằng lòng đi cùng chị hay không?
– Em bằng lòng, bằng lòng. Em sẽ đi với chị. Nhưng chị định đi đâu?
– Đi đến một đất nước khác, chị chưa biết là nước nào, nhưng đó sẽ là
một nơi mà chúng ta không còn phải nghe nói đến những chuyện như thế
này nữa.
– Vâng, nhưng chị biết đấy, cha mẹ em…
– Chị sẽ đến gặp cha mẹ em. Chúng ta sẽ gặp…Em đồng ý chứ? Em có lòng tin chứ?
– Vâng…Cám ơn chị.”
Thế là, được niềm tin của Souad tiếp sức, tôi đến gặp vị bác sĩ trẻ
để hỏi anh ta có biết ngôi làng có những người dân đem thiêu sống những
cô gái trẻ chỉ vì những cô gái ấy biết yêu đương, nằm ở đâu không.
“Cô bé ấy đến từ một làng nhỏ, cách đây khoảng bốn mươi cây số. Kế
cũng hơi xa, lại không có đường cho xe cộ đi lại và nguy hiểm nữa vì
chúng ta không biết rõ ở đấy đang xảy ra những chuyện gì. gì. Ở những
nơi như thế, đến cảnh sát cũng không có.
– Tôi không biết liệu tôi có thể đi đến đấy một mình được không?
– Chao ôi! Tôi khuyên chị tuyệt đối không nên làm vậy. Để tìm ra ngôi
làng ấy, chị sẽ lạc đường không dưới mười lần. Cũng không hề có bản đồ
chi tiết…”
Tôi cũng ngây thơ, nhưng không quá ngây thơ. Tôi biết rằng hỏi đường ở
những nơi như thế là cả một vấn đề, nhất là khi tôi là người nước
ngoài. Càng khó khăn hơn khi ngôi làng ấy lại nằm trong vùng lãnh thổ bị
Israel chiếm đóng. Tôi, Jacqueline, thành viên của Terre des Hommes hay
không cũng mặc, đang làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo hay không cũng mặc,
là tín đồ Thiên Chúa giáo hay không cũng mặc, tôi có thể bị xem là một
nữ điệp viên Israel đến do thám người Palestine. Hoặc ngược lại, tuỳ
theo vùng đất mà tôi lạc đến.
“Anh có thể giúp tôi bằng cách cùng đi với tôi không?
– Họa có điên mới làm như thế.
– Xin anh nghe tôi, bác sĩ, chúng ta có thể cứu được một mạng
người…Chính anh đã bảo với tôi là có hy vọng cứu sống cô ấy nếu đưa cô
ấy đến một nơi khác…”
Cứu một mạng người. Lập luận xem chừng có ý nghĩa đối với anh ta vì
anh ta là bác sĩ. Nhưng đồng thời anh ta cũng là dân nước này, giống
nhhững nữ y tá trong bệnh viện, mà đối với họ, Souad hoặc bất kỳ cô gái
nào giống cô ấy đều phải chết…
Thì đấy, đã có một cô gái chết rồi đấy thôi. Tôi không biết cô gái
còn lại có cơ may sống sót hay không nhưng cô ta đã không được bệnh viện
chăm sóc và chữa trị. Tôi rất muốn nói thẳng với anh chàng bác sĩ dễ
mến ấy rằng tôi không thể chịu được khi nhìn thấy một cô gái bị bỏ mặc
cho đến chết với cái cớ: phong tục. Nhưng tôi sẽ không nói, vì tôi biết
bản thân anh ta cũng đã vướng trong guồng máy ấy rồi, phải đối mặt với
bệnh viện, với giám đốc bệnh viện, với những nữ y tá, với chính những
đồng bào của anh ta nữa. Kế ra phải rất can đảm anh ta mới dám nói những
chuyện đó với tôi. Tội ác vì danh dự là một chủ đề cấm kỵ.
Và cuối cùng, tôi gần như đã thuyết phục được anh ta. Anh ta quả thực
là một người rất tốt, trung thực, tôi cảm động khi thấy anh ta trả lời
tôi với vẻ ngập ngừng:
“Tôi không biết liệu tôi có đủ can đảm hay không nữa…
– Chúng ta cứ thử xem sao. Nếu không được thì quay về.
– Đồng ý, nhưng nếu có chút rắc rối nào thì chị phải cho tôi rút lui lập tức đấy.”
Tôi hứa. Anh bác sĩ trẻ ấy, tên là Hassan, sẽ là người dẫn đường cho tôi.
Tôi là một cô gái phương Tây làm việc cho tổ chức Terre des hommes ở
Trung Đông để giúp đỡ những trẻ em Hồi giáo, Do Thái hay Thiên Chúa
giáo. Đây là một công việc thường mang tính chất ngoại giao và phức tạp.
một công việc thường mang tính chất ngoại giao và phức tạp. Nhưng hôm
tôi bước lên xe cùng với anh bác sĩ quả cảm ngồi bên, tôi thực không
nhận thức được sự liều lĩnh của mình. Đường đi kém an ninh, người dân
địa phương luôn nghi kị, vậy mà tôi lại kéo anh bác sĩ người Ả Rập vừa
tốt nghiệp đại học tại Anh vào một cuộc mạo hiểm có thể sẽ rất mơ hồ nếu
mục đích hướng đến không phải quan trọng đến như vậy. Có lẽ anh ta cho
rằng tôi hoàn toàn mất trí.
Buổi sáng hôm khởi hành, Hassan hơi xanh mặt vì sợ. Tôi sẽ nói dối
nếu bảo rằng lúc ấy tôi vẫn bình tĩnh như thường, nhưng ngày đó, sự vô
tư của tuổi trẻ cùng niềm tin mình đang dấn thân để giúp đỡ người khác
khiến tôi cứ tiến lên. Và dĩ nhiên, cả Hassan, cả tôi đều không mang
theo vũ khí.
Về phần tôi, đó là “đành phí mặc cho Chúa”, còn về phần Hassan: “Xin Đấng Allah phù hộ”.
Ra khỏi thành phố, hai bên đường là quang cảnh phổ biến của vùng đồng
quê Palestine với những mảnh đất được chia cắt thành từng thửa nhỏ
thuộc sở hữu của tiểu nông. Những thửa vườn, mảnh vườn ấy được bao bọc
bởi bức tường thấp xây bằng đá tảng với rất nhiều thằn lằn và rắn bò dọc
khe đá. Đất toàn một màu đỏ quạch, đây đó rải rác những cây vả dại.
Con đường xuất phát từ thành phố không trải nhựa nhưng vẫn đi bằng
ôtô được. Nó nối liền các thôn xóm, làng lân cận và các khu chợ với
nhau. Xe tăng của Israel đã san mặt đường khá phẳng nhưng vẫn còn nhiều ổ
gà khiến xe chở tôi phải rung lên ken két. Càng xa thành phố, người ta
càng gặp nhiều khu đất canh tác nhỏ. Nếu thửa đất đủ rộng, người nông
dân sẽ trồng lúa mì, nếu hẹp, họ sẽ dùng để chăn thả gia súc. Một vài
con dê, mấy con cừu. Nhà nào giàu sẽ có nhiều dê và cừu hơn.
Con gái ở đây đều phải tham gia công việc đồng áng. Số được đi học
rất ít ỏi hoặc hầu như không có. Và ngay cả những đứa may mắn được đi
học thì cũng nhanh chóng bị cha mẹ chúng bắt về nhà để trông coi lũ em
nhỏ. Thành thử tôi hiểu tại sao Souad lại hoàn toàn mù chữ.
Hassan biết rõ con đường này, nhưng thôn mà chúng tôi đang tìm thì
anh ta chưa bao giờ nghe nói đến. Thỉnh thoảng, chúng tôi phải hỏi thăm
đường nhưng xe của tôi mang biển số Israel thành thử chúng tôi có thể
thể gặp nguy hiểm. Chúng tôi đang đi vào vùng đất bị chiếm đóng và những
chỉ dẫn của người dân địa phương cũng khó có thể tin cậy được.
Một lúc sau Hassan bảo tôi:
“Như thế này là không ổn rồi, đến thôn ấy, chúng ta chỉ có mỗi hai
người thôi. Tôi đã báo tin cho gia đình ấy qua mạng điện thoại Ả Rập,
nhưng có Đấng Tối cao mới biết họ sẽ đón tiếp chúng ta như thế nào? Chỉ
có mỗi mình ông bố? Hay đủ mặt gia đình? Hay tất cả dân trong làng? Họ
sẽ không hiểu tại sao chị tìm gặp họ!
– Anh có cho họ biết là cô bé sắp chết và bảo họ là chúng ta đến gặp họ để nói về việc ấy không?
– Chính đó là điều mà họ không sao hiểu được. Họ đã thiêu sống cô gái
và rất có khả năng kẻ đã làm việc đó đang đợi sẵn để trả thù chúng ta.
Dẫu sao đi nữa, họ sẽ bảo là cô gái đã vô ý để áo bị bắt lửa hoặc cô ta
đã ngã chúi đầu vào đống lửa đang cháy! Những chuyện gia đình như thế,
quả thật rất phức tạp…”
Tôi đã biết như thế. Ngay từ đầu, khoảng chục ngày trước, nhiều người
đã nhắc đi nhắc lại cho tôi nhớ rằng chuyện một cô gái bị thiêu như thế
là rất phức tạp, rằng tôi không nên xen vào đó. Chỉ có điều, đó chính
xác là việc tôi đang làm.
“Tôi khuyên chị tốt hơn cho chúng ta nên cho xe quay trở lại…”
Tôi vội động viên anh bạn đồng hành quý báu. Không có anh ta, có lẽ
tôi cũng đi đến đấy được, nhưng ở những vùng này, phụ nữ không được phép
đi một mình.
Cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra cái thôn đó. Ông bố tiếp chúng tôi
ngoài sân, dưới bóng một cái cây to trước nhà. Tôi ngồi bệt trên nền
đất, Hassan ngồi bên phải tôi. Ông bố ngồi tựa vào thân cây, trong tư
thế quen thuộc, thuộc, một chân co lại với cây gậy đặt bên trên. Khổ
người ông ta thấp bé, tóc hung đỏ, mặt xanh xao có nhiều nốt đồi mồi và
trông như bị chứng bạch tạng. Bà mẹ vẫn đứng thẳng trong chiếc áo dài
đen, một tấm voan cũng màu đen trùm trên đầu. Không che mặt. Đó là một
phụ nữ khó xác định được tuổi, mẹ có những nếp nhăn hằn sâu, cái nhìn
khắc khổ. Phụ nữ Palestine ở các vùng nông thôn thường có cái nhìn như
thế. Nhưng với những gì họ phải chịu đựng như gánh nặng công việc, con
cái, cảnh ngộ gò bó thì âu đó cũng là chuyện bình thường.
Ngôi nhà thuộc loại trung bình, mang nét đặc trưng của kiến trúc vùng
này nhưng chúng tôi không nhìn thấy được hết. Nhìn từ bên ngoài, ngôi
nhà có vẻ khép kín. Dẫu sao thì chủ nhà không phải là nghèo.
Sau những câu chào hỏi thông thường, Hassan giới thiệu tôi:
“Bác ạ, chị này làm việc ở một tổ chức nhân đạo…”
Và cuộc nói chuyện tiếp tục theo lối của người Palestine, nghĩa là chỉ giữa hai người đàn ông với nhau.
“Đàn gia súc năm nay thế nào, thưa bác?.... Còn mùa màng?... Nông sản của nhà ta bán được không bác?....
– Cũng khó khăn lắm… mùa đông đến rồi… Người Israel gây ra cho chúng tôi không biết bao nhiêu rắc rối…”
Những chuyện tầm phào như thể kéo dài khá lâu trước khi đề cập đến
mục đích của cuộc thăm viếng. Âu cũng là chuyện bình thường. Ông ta
không đả động gì đến cô con gái, nên Hassan không nhắc đến, còn tôi thì
càng không thôi. Rồi chủ nhà mời trà – là khách lạ đến thăm nên tôi
không thể từ chối lòng hiếu khách theo phong tục của người Palestine –
và đã đến lúc phải cáo từ. Chủ và khách chào nhau.
“Chúng cháu sẽ quay lại thăm bác….”
Chúng tôi không đi xa hơn và từ biệt ra về. Vì cả Hassan và tôi đều
biết rằng cần phải bắt đầu như thế.Phải có phần nhập đề, không được đến
với vẻ thù địch hay với vẻ dò xét của người đi điều tra, cứ để mọi việc
thư thả, để có thể quay lại lần nữa.
Và thế rồi chúng tôi lên đường trở về thành phố, ở cách đấy hơn bốn mươi cây số. Tôi còn nhớ rằng mình đã thở phào nhẹ nhõm.
“Mọi việc cũng suôn sẻ đấy chứ… Vài hôm nữa chúng ta quay lại.
– Chị định quay lại thật à?
– Phải quay lại chứ, hôm nay chúng ta có làm được gì đâu.
– Nhưng chị có thể đề nghị với họ những gì? Nếu chị định dùng tiền để
thương lượng thì không có tác dụng gì đâu… Chị đừng nghĩ đến chuyện làm
vậy. Với họ, danh dự là danh dự.
– Tôi sẽ chủ yếu dựa vào việc cô bé đang sắp chết. Tiếc thay đó lại là sự thật, chính anh đã bảo tôi như vậy mà…
– Không được chăm sóc cấp cứu và giờ có muốn tiến hành thì cũng đã muộn rồi, cô ấy thực tình không còn cơ may nào nữa.
– Nếu cô bé không qua khỏi, tôi sẽ bảo với họ là tôi mang cô ấy đến
một nơi nào khác để chờ chết… Cách này vừa tiện cho họ vừa giúp họ tháo
gỡ được vấn đề.
– Cô ấy còn là vị thành niên và không có giấy tờ, phải có sự đồng ý
của cha mẹ cô ta. Họ sẽ không nhọc công đi làm các thủ tục giấy tờ đâu,
dù chị có cố gắng thuyết phục thế nào đi nữa…
– Chúng ta cứ quay lại xem nào. Lúc nào thì anh có thể gọi cho họ được?
– Vài hôm nữa, chị phải thư thả cho tôi có thời gian chứ.”
Cô bé Souad thì lại không có thời gian. Hassan tuy đã làm được phép
lạ và giúp tôi rất nhiều trong chuyện này nhưng dù sao, anh ta cũng còn
phải phụ trách công việc trong bệnh viện, phải lo cho gia đình và riêng
việc can thiệp vào một vụ có liên quan đến tội ác vì danh dự như thế này
cũng đủ gây cho anh ta nhiều rắc rối. Càng lúc tôi càng hiểu anh ta hơn
và tôn trọng sự cẩn thận của anh ta. Tìm cách giải quyết vấn đề thuộc
loại cấm kỵ này, tìm cách né tránh những tác hại của nó là một chuyện
mới mẻ nên tôi sẵn sàng vào cuộc với tất cả sức lực của mình. Nhưng
Hassan vẫn phải giúp tôi liên lạc với người trong làng để báo cho họ
biết về những cuộc thăm viếng sắp tới và tôi biết anh sẽ phải mất rất
nhiều công sức thuyết phục để có thể hoàn thành được cái công việc tưởng
như đơn giản ấy…..
Chú Thích:
[2] Moukhtar: Chuyên gia