Lần đầu tiên tôi về thăm bố mẹ nuôi kể từ ngày tôi “bỏ” Marouan,
khi đó Laetitia và Nadia còn rất nhỏ. Tôi sợ những phản ứng của con trai
tôi khi đứng trước mặt hai em gái nó. Nó đang bước vào tuổi thiếu niên,
tôi đã xây dựng một cuộc đời khác không có nó và tôi không biết có còn
nhớ tới tôi, oán giận tôi hay quan tâm đến chúng tôi hay không. Mỗi lần
tôi gọi điện thoại để báo trước là tôi sẽ đến thăm và tỏ ý lo lắng thì
họ luôn trả lời: “Không, không. Không có vấn đề gì đâu. Marouan đã biết
rồi, con có thể đến.”
Nhưng nó không thường có mặt ở đó. Tôi hỏi thăm tin tức của nó và
luôn an ủi tôi là nó rất khỏe mạnh. Tôi chỉ gặp nó ba lần trong suốt
hai mươi năm. Và lần nào tôi cũng cảm thấy đau khổ. Tôi đã khóc trên
đường về nhà. Hai con gái tôi đi qua anh trai mà không biết, nhưng nó
biết. Nó không biểu lộ, không đòi hỏi gì mà tôi im lặng. Quả thực là
những chuyến thăm viếng đau khổ! Tôi không thể nói gì với nó, tôi không
đủ sức. Lần gần đây nhất, Antonio bảo tôi:
“Anh thấy tốt hơn hết là em đừng đến nữa. Em cứ khóc suốt và em
bị suy sụp, như thế chẳng có tác dụng gì. Nó có cuộc sống riêng của nó,
bố mẹ, gia đình, bạn bè… Em hãy để cho nó được yên. Sau này, một ngày
nào đó, nếu nó có hỏi, em sẽ giải thích cho nó.”
Tôi luôn cảm thấy mình có tội, tôi từ chối trở lại với quá khứ,
nhất là khi ngoài Jacqueline và chồng tôi ra, không một ai biết tôi đã
có một đứa con trai. Nó vẫn còn là con trai của tôi chứ? Tôi không muốn
bi kịch gia đình xảy ra, đó là điều thật đáng sợ.
Lần cuối cùng tôi gặp nó, nó khoảng mười lăm tuổi. Thậm chí nó
còn chơi với các em nó một lúc… Cuộc trao đổi giữa chúng tôi chỉ giới
hạn trong vài câu thông thường và vô vị: “Chào Marouan, cháu ổn chứ?...
Cũng ổn, còn cô?”
Gần mười năm trôi qua. Tôi nghĩ rằng nó đã quên tôi, và tôi không
còn tồn tại trong cuộc đời nó nữa. Tôi biết nó đã đi làm, nó sống trong
một căn hộ nhỏ với bạn gái, như tất cả thanh niên cùng tuổi nó.
Laetitia mười ba tuổi, Nadia mười hai tuổi. Tôi dồn hết tâm trí
lo việc học hành của chúng và tự nhủ rằng mình đã làm tròn bổn phận.
Trong những lúc mất tinh thần, tôi tự nhủ một cách ích kỷ rằng, để có
thể tiếp tục sống nốt phần đời còn lại, tốt nhất là tôi nên quên. Tôi
thèm khát số phận của những người hạnh phúc, những người không hề gặp
bất hạnh trong thời thơ ấu, họ không có bí mật, không có hai cuộc đời.
Điều mà tôi có thể nói, đó là tôi muốn chôn chặt, bằng tất cả sức lực
của mình, quãng đời thứ nhất của tôi, để có thể giống họ. Nhưng mỗi lần
tôi tham dự một hội nghị và tôi phải kể lại cuộc đời đầy ác mộng kia thì
niềm hạnh phúc đó lại bị lung lay, như một ngôi nhà bị xây ẩu. Antonio
thấy rõ điều này và chị Jacqueline cũng vậy. Tôi rất yếu đuối nhưng tôi
làm ra vẻ không phải vậy.
Một hôm Jacqueline bảo tôi:
“Em đã làm một việc có ích cho nhiều phụ nữ khác nếu chúng ta viết một quyển sách kể về cuộc đời của em.
– Một quyển sách? Nhưng em chỉ mới biết viết thôi…
– Nhưng em nói được…”
Tôi không biết rằng người ta có thể “nói” ra một quyển sách.
Một quyển sách, đấy là điều gì đó rất quan trọng… Nhưng bất hạnh
thay, tôi lại không nằm trong số những người đọc được sách. Các con gái
tôi vẫn đọc sách. Antonio cũng đọc. Còn tôi, tôi thích tờ báo buổi sáng.
Cứ nghĩ đến việc làm ra một quyển sách, đến việc tôi xuất hiện trong
một quyển sách, tôi như bị choáng ngợp đến nỗi ý nghĩ ấy cứ luẩn quẩn
trong đầu. Từ mấy tháng nay, khi nhìn các con tôi mỗi ngày một lớn lên,
tôi đã nhủ thầm rằng một ngày nào đó, tôi sẽ phải nói cho chúng biết
nhiều hơn. Nếu tất cả những chuyện đó được viết trong một quyển sách thì
có lẽ tôi sẽ cảm thấy bớt nặng nề hơn khi phải một mình đối mặt với
chúng.
Cho đến bây giờ, tôi chỉ mới kể cho chúng nghe, dần dần từng ít
một, những gì cần thiết nhất để chúng có thể hiểu tại sao tôi lại có một
ngoại hình như vậy. Nhưng đến một ngày nào đó, chúng sẽ muốn hiểu tất
cả và khi đó bao nhiêu câu hỏi của chúng sẽ là bấy nhiêu mũi dao nhói
vào tâm trí tôi.
Tôi thấy mình chưa đủ khả năng để lục sâu vào trong ký ức. Do lúc
nào cũng muốn quên thành thử người ta quên thực sự. Bác sĩ chuyên khoa
tâm thần học đã cho tôi biết như thế âu cũng là bình thường, nhất là với
cú sốc và những đau đớn mà tôi từng trải qua do không được chăm sóc.
Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là chuyện về Marouan. Đã từ lâu, tôi luôn
sống nhờ vào việc nói dối để tụ vệ. Và tôi sống rất khó khăn.
Nếu tôi chấp nhận kể về đời tôi trong một quyển sách thì tôi phải
nói về Marouan. Tôi có quyền làm thế hay không? Tôi đã nói không. Tôi
rất sợ. Vì việc đó liên quan đến sự an toàn của tôi và của nó. Một quyển
sách có thể được đưa đi khắp thế giới. Và nếu gia đình tôi tìm được tôi
thì sao? Nhỡ họ làm hại Marouan thì sao? Họ có thừa khả năng như vậy.
Mặt khác, tôi lại muốn có một quyển sách viết về đời mình. Đã có những
lúc tôi mơ đến một vụ trả thù không thể có. Tôi thấy mình trở về làng,
được che dấu và được bảo vệ cho đến khi gặp người em trai tôi. Chẳng
khác nào một thước phim đang quay trong đầu tôi.
Tôi đi đến trước nhà nó và nói:
“Assad, em còn nhớ chị chứ? Em thấy đấy, chị vẫn còn sống! Hãy
nhìn kỹ những vết sẹo của chị. Đó là do anh rể Hussein đã thiêu sống
chị, nhưng chị vẫn còn sống!”
“Em còn nhớ em gái Hanan của chị không? Em đã làm gì với nó? Em
đã ném nó cho cho xé xác phải không? Còn vợ của em? Cô ấy vẫn khỏe chứ?
Tại sao chị lại bị thiêu sống đúng vào ngày cô ấy sinh con trai. Hồi ấy
chị đang có thai, có cần phải thiêu sông cả đứa con trai của chị không?
Hãy nói cho chị biết tại sao em không làm gì để giúp chị, chính em, em
là đứa em trai duy nhất máu mủ của chị kia mà!”
“Giới thiệu với em, Marouan, con trai chị! Nó ra đời sớm hơn dự
tính hai tháng tại bệnh viện thành phố, nhưng nó cao to, đẹp trai và rất
khỏe mạnh! Em nhìn nó mà xem!”
“Còn Hussein? Anh ra đã già hay chết rồi? Chị mong anh ta còn
sống nhưng mù lòa hay bại liệt để nhìn thấy chị vẫn còn sống và đứng
trước mặt anh ta! Chị hy vọng ngày trước chị đau đớn bao nhiêu thì bây
giờ anh ta phải đau đớn bấy nhiêu!”
“Còn cha mẹ thì thế nào? Cả hai đã chết rồi ư? Em hãy nói cho chị
biết họ được chôn ở đâu để chị để chị đến nguyền rủa trước nấm mồ của
họ!”
Tôi thường mơ giấc mơ báo thù đó. Nó khiến tôi trở nên độc ác,
như họ. Tôi có ý định giết người, như họ! Tất cả bọn họ đều tưởng tôi đã
chết, nên tôi rất muốn họ nhìn thấy tôi còn sống!
Suốt gần một năm, tôi đã từ chối lời đề nghị viết sách, trừ khi
mọi người đồng ý cho tôi được để Marouan ra ngoài câu chuyện. Chị
Jacqueline đã tôn trọng quyết định của tôi. Điều đó thật đáng tiếc,
nhưng chị hiểu.
Tôi không muốn viết một quyển sách nói về tôi mà không nhắc đến
Marouan, và tôi không dám đối mặt với nó để giải quyết vấn đề. Cuộc sống
vẫn tiếp diễn và tôi cảm thấy mất tinh thần do luôn tự nhủ: “Làm như
thế đi! Không, đừng làm như thế!”. Phải tiếp cận Marouan bằng cách nào?
Đợi hôm nào đó, tôi sẽ gọi điện thoại cho nó, cứ như thế, không báo
trước, sau ngần ấy năm, và tôi nói với nó: “Marouan, chúng ta cần nói
chuyện với nhau.”
Nhưng tôi sẽ tự giới thiệu như thế nào? Mẹ ư? Và làm gì khi đứng
trước mặt nó? Bắt tay nó? Ôm hôn nó? Nhưng nếu nó đã quên tôi thì sao?
Nó có quyền quên bởi chính tôi đã “quên” nó…
Jacqueline nhắc đến một chuyện khiến tôi càng thêm lo lắng.
“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một hôm nào đó Marouan tình cờ gặp một
trong hai đứa em gái của nó, và hai đứa nó lại không biết đó là anh trai
của chúng? Nếu con bé yêu nhầm anh nó và đưa anh nó về nhà giới thiệu
với em thì em sẽ làm thế nào?”
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến tình huống đó. Giữa chúng tôi và
Marouan có một khoảng cách chừng hai mươi cây số. Laetitia đã mười bốn
tuổi, không bao lâu nữa sẽ đến thời kỳ nó có bạn trai… rồi đến lượt
Nadia… hai mươi cây số chẳng có ý nghĩa gì. Thế giới rất nhỏ bé! Mặc dù
thấy nguy cơ tuy không chắc chắn lắm nhưng rất có thể xảy ra, tôi vẫn
dứt khoát quyết định. Một năm trôi qua.
Cuối cùng, mọi việc tự nó diễn ra mà không cần ai sắp đặt.
Marouan đã gọi điện thoại đến nhà. Hôm đó tôi đi làm và chính Nadia đã
nghe máy. Marouan chỉ nói:
“Tôi biết mẹ cô, bà ấy và tôi trước kia cùng ở trong một gia đình
tiếp đón người tị nạn. Nhờ cô nhắn bà ấy gọi lại cho tôi.”
Khi tôi về đến nhà, Nadia lại làm mất mẩu giấy ghi số điện thoại
của Marouan. Nó tìm khắp nơi, tôi trở nên bực tức. Có thể nói rằng số
phận không muốn tôi liên lạc với Marouan. Tôi không biết nó ở đâu, không
biết hiện nay nó đang làm việc ở chỗ nào. Lẽ ra tôi có thể gọi điện cho
bố nuôi để hỏi, nhưng tôi không đủ can đảm. Tôi hèn nhát và tôi tự giận
chính mình. Để định mệnh tự lo liệu xem ra còn dễ hơn việc soi gương.
Vào một ngày thứ Năm, nó đã gọi lại. Chính nó nói với tôi: “Chúng ta
phải nói chuyện với nhau”Và chúng tôi hẹn gặp vào trưa ngày hôm sau. Tôi
chuẩn bị đối mặt với con trai tôi, tôi biết những gì đang chờ đợi tôi.
Đại khái câu hỏi sẽ là: “Tại sao người ta lại nhận con làm con nuôi lúc
con chỉ mới năm tuổi? Tại sao mẹ không giữ con lại với mẹ?.... Mẹ giải
thích cho con biết đi.”
Tôi muốn diện thật đẹp. Tôi đến hiệu làm đầu, tôi trang điểm, mặc
đơn giản, quần Jean, giầy thể thao, áo sơ mi màu đỏ, tay dài và cổ áo
cài kín. Buổi hẹn được ấn định đúng giữa trưa, trước một nhà hàng trong
thành phố.
Con phố hẹp. Nó đến từ trung tâm thành phố, tôi đi từ phía nhà
ga, nhất định chúng tôi không thể lạc nhau được. Dù nó có lẫn trong hàng
nghìn người, tôi vẫn nhận ra nó. Tôi thấy nó từ xa tiến đến với cái túi
thể thao màu xanh lá mạ. Trong đầu tôi, nó vẫn còn là một đứa trẻ,
nhưng một chàng thanh niên đang mỉm cười với tôi. Hai chân tôi như sắp
khuỵu xuống, hai bàn tay tôi run run và tim tôi thì đập rộn ràng như thể
tôi đang gặp người đàn ông trong mộng. Thực là một cuộc gặp gỡ giữa hai
kẻ yêu nhau. Nó rất cao, nó phải cúi xuống thật thấp để hôn tôi một
cách bình thường như thể nó chỉ mới xa tôi ngày hôm qua. Tôi cũng hôn
lại nó.
“Con gọi như thế là phải.
– Mười lăm hôm trước tôi đã gọi nhưng rồi không thấy ai gọi lại, tôi tự nhủ: ‘Đúng rồi, bà ấy không muốn gặp mình…’ ”
Tôi nói không phải thế và tôi giải thích rằng Nadia đã đánh mất mẩu giấy ghi số điện thoại của nó.
“Giả sử hôm qua tôi không gọi, thì liệu bà có gọi cho tôi không?
– Mẹ cũng không biết nữa, có lẽ mẹ sẽ không gọi. Mẹ không dám gọi
vì bố mẹ nuôi của con.,… mẹ biết là mẹ nuôi của con đã mất…
– Đúng thế. Bây giờ bố nuôi tôi chỉ còn một mình, nhưng tôi cũng ổn thôi.. còn… thì thế nào?”
Nó không biết phải gọi tôi bằng gì. Thói quen mà tôi đã có, khi
ngay từ đầu tôi đã gọi gia đình tiếp nhận tôi là bố mẹ, đã làm mọi
chuyện trở nên phức tạp. Ai thật sự là mẹ của nó?
Tôi nói luôn:
“Marouan này, con có thể gọi mẹ là mẹ, là Souad, là em gái, là
chị gái, con cứ gọi theo ý muốn của con. Nếu Đấng Tối cao sắp đặt như
thế thì lát nữa chúng ta sẽ làm quen với nhau.
– Được rồi, chúng ta sẽ cùng ăn trưa và chúng ta sẽ nói chuyện.”
Chúng tôi ngồi vào bàn ăn và tôi cứ nhìn nó chằm chằm. Nó giống
hệt cha đẻ của nó. Cũng khổ người như thế, cũng dáng đi nhanh như thế,
cũng cách nhìn như thế, tuy nhiên nó có vẻ khác biệt. Nhìn thật kỹ, nó
hơi giống em trai tôi… nhưng trầm tĩnh và có những nét dịu dàng hơn. Nó
có vẻ chấp nhân cuộc đời như nó vốn có, không chút thắc mắc. Nó đơn giản
và thẳng thắn.
“Hãy cho con biết mẹ đã bị thiêu sống như thế nào?
– Con không biết gì về việc này ư?
– Không, không ai nói gì với con về chuyện đó.”
Tôi giải thích mọi chuyện và tôi nhận thấy khi tôi nói đến đâu
ánh mắt của Marouan cũng thay đổi theo đến đấy. Khi tôi nói đến đoạn
ngọn lửa bắt đầu bốc cháy trên người tôi, Marouan bỏ điếu thuốc mà nó
định châm xuống.
“Lúc đó con đang nằm trong bụng mẹ?
– Phải, lúc ấy con đang nằm trong bụng mẹ. Mẹ đã một mình sinh
con ra. Lúc sinh con, mẹ không hề hay biết gì vì những vết bỏng đã khiến
mẹ đau đớn cùng cực. cực. Mẹ nhìn thấy con, con đang nằm giữa hai chân
mẹ, tất cả chỉ có thế. Sau đó con biến mất. Rồi bác Jacqueline đi tìm
con để đưa con lên máy bay cùng với mẹ. Hai mẹ con đã sống bên nhau suốt
chín tháng trong bệnh viện và sau đó, chúng ta được giao cho bố mẹ
nuôi.
– Chính vì con nên mẹ bị thiêu sống phải không?
– Không, không phải vì con! Không phải vậy! Không bao giờ! Mà chỉ
do phong tục của đất nước chúng ta. Ở đó, đàn ông làm ra pháp luật.
Những người có trách nhiệm trong chuyện này là ông bà ngoại và bác rể
của con, chứ chắc chắn không phải do con!”
Nó nhìn những vết sẹo của tôi, cổ tôi, và nhẹ nhàng đặt bàn tay
nó lên cánh tay tôi. Tôi nhận thấy nó đã đoán được những gì còn lại,
nhưng nó không đòi xem thêm. Liệu có phải nó sợ yêu cầu tôi cho xem thêm
không?
“Con không muốn xem…..
– Không mẹ ạ. Chuyện này đã làm con đau lòng lắm rồi, nếu xem
thêm, con sẽ còn đau lòng hơn nữa. Bố của con, ông ấy như thế nào? Có
giống con không?
– Giống, nhất là khuôn mặt… Mẹ chưa được nhìn thấy con đi lại
nhiều, nhưng cách con đi đứng rất giống ông ấy, người thẳng, dáng vẻ tự
hào. Cả phía sau gáy và miệng của con nữa, giống nhất là hai bàn tay.
Con có đôi bàn tay giống hệt ông ấy, đến cả móng tay cũng giống…Bố con
cao hơn con một chút, cũng chắc khỏe như con. Ông ấy điển trai. Lúc nãy
thoạt trông thấy hai vai con, mẹ cứ tưởng là nhìn thấy bố con.
– Có lẽ mẹ cảm thấy ấm lòng vì dù sao mẹ cũng yêu ông ấy?
– Dĩ nhiên, mẹ từng yêu ông ấy. Ông ấy hứa sẽ cưới mẹ.. thế rôi.
Như con thấy đấy, khi biết mẹ có thai, ông ấy không quay trở lại….”
– Bỏ rơi mẹ như thế quả là tệ thật! Rốt cuộc cũng do con mà ra cả…
– Marouan, không phải vậy đâu! Con đừng bao giờ nghĩ như thế! Chỉ
do bọn đàn ông ở nơi đó mà thôi. Sau này, khi con biết về đất nước đó
nhiều hơn, con sẽ hiểu.
– Con rất muốn một ngày nào đó được gặp ông ấy. Chúng ta không
thể đến nơi ấy được à? Cả hai chúng ta? Để xem nơi ấy như thế nào và để
gặp ông ấy, bố con… con rất muốn biết trông ông ấy như thế nào. Ông ấy
có biết là con có mặt trên đời này không?
– Mẹ cũng không rõ nữa. Từ đó đến giờ, mẹ và ông ấy cũng không
gặp lại nhau, con biết đấy…. và rồi sau đó chiến tranh xảy ra…. Không,
tốt nhất chúng ta không bao giờ gặp lại những người đó.
– Có thật là mẹ có thai bảy tháng thì sinh con?
– Phải, đúng như thế. Con đã chào đời mà không được ai đỡ cả, mẹ không được nhìn thấy con lâu, nhưng hồi ấy con bé xíu…
– Con sinh lúc mấy giờ?
– Lúc mấy giờ à? Mẹ không biết.. hình như là ngày mùng một tháng
Mười gì đấy. Chỉ sau này người ta mới nói cho mẹ biết. Riêng mẹ, mẹ
không biết gì cả! Nên mẹ không thể nói cho con biết mấy giờ… Điều quan
trọng là con được sinh ra nguyên vẹn từ đầu đến chân!
– Tại sao trước đây mẹ đến nhà bố mẹ nuôi mà không nói với con một câu?
– Mẹ không dám nói gì trước mặt bố mẹ nuôi của con. Họ đã nhận
con làm con nuôi nên mẹ không muốn làm họ phiền lòng. Chính họ đã nuôi
dạy con khôn lớn, họ đã làm tất cả những gì có thể.
Con vẫn nhớ mẹ. Ở trong phòng, mẹ đã đưa cho con một hộp sữa
chua, rồi một chiếc răng của con bị gãy làm hộp sữa chua dính máu. Con
không chịu ăn nhưng mẹ cứ ép con phải ăn. Chuyện ấy con vẫn nhớ.
Mẹ thật không nhớ gì… Con biết không, dạo ấy mẹ phải trông mấy
đứa trẻ khác, và mẹ nuôi đã bảo mẹ không nên quan tâm đến con nhiều hơn
những đứa khác…vả lại, ở nhà bố mẹ nuôi, chúng ta không nên phí phạm
thức ăn, nuôi bao nhiêu trẻ như thế tốn kém lắm.
– Con, lúc con lên mười bốn, mười lăm gì đấy, con rất giận mẹ… con ghen tỵ.
– Ghen tỵ vì ai?
– Mẹ chứ ai. Con chỉ muốn lúc nào mẹ cũng ở bên cạnh con.
– Còn bây giờ, ngày hôm nay?
– Con muốn biết rõ về mẹ, con muốn biết thật nhiều chuyện………..
– Con có giận mẹ về việc sinh thêm các em không? – Có thêm em gái
như thế thật tuyệt vời… Con cũng muốn được gặp các em.”
Rồi nó nhìn đồng hồ, đã đến giờ tôi phải quay lại chỗ làm.
“Tiếc quá. Mẹ sắp phải đi, con rất muốn được ở lại bên mẹ.
– Mẹ biết. Nhưng mẹ buộc phải đi. Ngày mai con đến nhà chơi một lát được không?
– Không nên, như thế sớm quá. Con muốn được gặp mẹ ở một nơi khác.
– Thế thì tối mai, lúc bảy giờ, vẫn chỗ này nhé. Mẹ sẽ đưa các em con đến.”
Nó hoàn toàn hạnh phúc. Tôi không nghĩ mọi chuyện lại dễ dàng đến
thế. Tôi những tưởng nó sẽ rất giận tôi vì tôi để nó làm con nuôi người
khác, tưởng nó sẽ giận đến khinh bỉ tôi. Nhưng nó thậm chí không hề hỏi
tôi về việc ấy. Nó hôn tôi, tôi cũng hôn nó và chúng tôi cùng nói “tạm
biệt, hẹn mai gặp lại!”.
Và tôi quay về chỗ làm, trong đầu tràn ngập vui sướng. Tôi đã bỏ
lại phía sau một gánh nặng khổng lồ. Bây giờ dù có xảy ra chuyện gì, tôi
cũng đã gỡ bỏ được nỗi băn khoăn đã gặm nhấm tôi từ lâu mà tôi không
muốn thừa nhận. Tôi tiếc vì mình đã không đủ khả năng giữ Marouan lại
bên cạnh. Một ngày nào đó, tôi sẽ phải xin lỗi nó về việc đã quá chú tâm
làm lại cuộc đời đến nỗi quên cả nó. Trong suy nghĩ của chính mình, tôi
đã chết, không phải nước mà là những suy nghĩ nhấn chìm tôi, tôi cũng
không biết mình đang làm gì. Chẳng có gì của thực tại. Tôi đang trôi nổi
bập bềnh. Lẽ ra tôi phải nói với nó về chuyện này, cũng phải nói cho nó
biết là dù cha đẻ nó đã bỏ rơi cả hai chúng tôi nhưng tôi vẫn yêu người
đàn ông ấy. Việc cha đẻ nó hèn nhát như bao người đàn ông khác không
phải lỗi của tôi. Tôi cũng muốn nói với nó: “Marouan à, mẹ sợ đến nỗi mẹ
đã đập mạnh vào bụng… ” Nó phải tha thứ cho tôi vì đã làm những điều
đo, tôi thực sự quá ngu dốt. Ngoài nỗi sợ, trong đầu tôi chẳng có gì
khác! Liệu nó có hiểu và tha lỗi cho tôi không? Liệu tôi có thể nói hết
mọi chuyện cho con trai tôi không? Và cả con gái tôi nữa? Cả ba đứa
chúng nó sẽ phán xét tôi như thế nào?
Tâm trí tôi bị xáo trộn đến mức suốt đêm tôi không ngủ được. Một
lần nữa, tôi lại thấy ngọn lửa bốc cháy trên người và tôi chạy khắp vườn
như một con điên.
Antonio để mặc tôi tự xoay xở, trong lúc này, anh không muốn can thiệp, nhưng anh thấy rõ là tôi không ổn.
“Em đã nói với các con chưa?
– Chưa. Để mai… chúng nó và em sẽ cùng ăn tối với Marouan. Lúc ấy
em sẽ chọn thời điểm thích hợp để nói cho chúng biết. Nhưng em sợ lắm,
Antonio.
– Em sẽ làm được thôi, giờ thì em không rút lui được đâu. ”
Vào ba giờ năm mươi bảy phút sáng, tôi nhận được tin nhắn của
Marouan: “Tin nhắn này chỉ để nói với mẹ là con vẫn khỏe, con hôn mẹ.
Hẹn sáng mai, mẹ nhé!”
Nó khiến tôi bật khóc.